Con gấu Bắc cực sắp chết đói trên quần đảo Baffin. Video: National Geographic. Khi nhiếp ảnh gia Paul Nicklen của National Geographic và các nhà làm phim từ tổ chức bảo tồn Sea Legacy tới quần đảo Baffin ở Canada, họ bắt gặp một cảnh tượng xúc động: một con gấu Bắc cực đói khát đang chờ chết trên hòn đảo không còn băng. Nicklen không lạ lẫm với những con gấu. Từ khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở vùng cực bắc Canada, nhà sinh vật học và nhiếp ảnh gia động vật hoang dã này đã trông thấy hơn 3.000 con gấu trong tự nhiên. Nhưng con gấu Bắc cực gày gò trong video Nicklen chia sẻ trên mạng xã hội hôm 5/12 là một trong những cảnh tượng khiến anh thương cảm nhất. "Chúng tôi đứng đó và khóc. Chúng tôi quay phim với những giọt nước mắt lăn dài trên má", Nicklen nói. Trong video, con gấu Bắc cực với cơ thể gầy gò chỉ còn da bọc xương đang kéo lê hai chân sau khi di chuyển, nhiều khả năng do teo cơ. Cố chống chọi với con đói, nó chậm rãi lục lọi một chiếc thùng rác gần đó từng được ngư dân Inuit sử dụng. Nó không tìm thấy gì và đành bỏ cuộc bằng cách nằm sụp xuống trên nền đất. Trong nhiều ngày sau khi đăng video, Nicklen thường xuyên được hỏi tại sao anh không can thiệp. "Tất nhiên, điều đó từng lướt qua tâm trí tôi. Nhưng không giống như việc đi quanh con gấu với một khẩu súng gây mê hoặc gần 200 kg thịt hải cẩu", Nicklen nói. Theo nhà nhiếp ảnh, ngay cả khi làm vậy, anh sẽ chỉ kéo dài thêm sự khổ sở của con gấu. Việc cho gấu Bắc cực hoang dã ăn cũng bị cấm ở Canada. Nicklen chia sẻ anh ghi hình cái chết chậm rãi bủa vây con gấu vì không muốn nó chết trong vô vọng. "Khi các nhà khoa học nói loài gấu sắp tuyệt chủng, tôi muốn mọi người nhận ra viễn cảnh đó trông như thế nào. Những con gấu sắp chết đói. Đây là cảnh tượng về một con gấu chết đói", Nicklen cho biết. Thông qua phản ánh câu chuyện của con gấu Bắc cực, Nicklen hy vọng có thể truyền đi thông điệp lớn về những hậu quả chết chóc của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Loài gấu Bắc cực từ lâu đã trở thành vật biểu trưng cho ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do chỉ sinh sống ở các vùng cực, chúng thường là loài đầu tiên chịu tác động trực tiếp của nhiệt độ và mực nước biển gia tăng. Những con gấu lớn nặng nửa tấn tìm kiếm hải cẩu, sư tử biển và hải mã ở lớp băng bao phủ mặt biển. Trong các tháng mùa hè, gấu Bắc cực có thể trải qua nhiều tháng không ăn trong khi chờ băng Bắc cực đông cứng lại. Năm 2002, một báo cáo của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) dự đoán biến đổi khí hậu có thể đe dọa hoặc khiến gấu Bắc cực tuyệt chủng. Tại thời điểm đó, báo cáo chỉ ra gấu Bắc cực đang di chuyển từ vùng đóng băng vào đất liền sớm hơn và ở lại lâu hơn trên đất liền, khiến thời gian ăn chay của chúng dài hơn. Vào cuối mùa hè, phần lớn những con gấu mà WWF nghiên cứu có dấu hiệu thiếu ăn. 15 năm sau, khu vực săn mồi trên băng của gấu Bắc Cực càng thu hẹp hơn. Trung tâm dữ liệu tuyết và băng quốc gia thường xuyên ghi nhận mật độ băng bao phủ trên biển thấp kỷ lục. Một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí European Geosciences Union và năm nay trên website của Cục khảo sát địa chất Mỹ xác nhận băng tan chảy tiếp tục là mối đe dọa đối với gấu Bắc cực. Phương Hoa Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress