Bác sĩ vụ bệnh nhân triệt sản vẫn có bầu: 'Tôi chưa làm thủ thuật'

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 7, 2017.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 204)

    Chiều 7/12, bác sĩ Dậu - người đã mổ đẻ cho sản phụ hồi tháng 2/2016, cho biết năm ấy đây là ca bệnh do đồng nghiệp nhờ vả nên ông đến viện mổ vào sáng sớm. Do sản phụ đã có thai ba lần, trong đó hai lần mổ đẻ và có sẹo tử cung, ông đã tư vấn nên triệt sản. Bệnh nhân và gia đình đồng ý.

    Tuy nhiên, trong quá trình mổ, do thấy vết mổ dính, toàn bộ tử cung sản phụ dính vào thành bụng nên bác sĩ Dậu quyết định không thực hiện thủ thuật triệt sản vì sự an toàn và tính mạng của người bệnh. Mọi giấy tờ ra viện của bệnh nhân sau đó đều không ghi triệt sản.

    “Một năm tôi mổ khoảng 500-600 bệnh nhân, hai năm có thể mổ trên 1.000 ca. Vừa rồi chị ấy đột ngột gọi điện hỏi nên tôi không thể nhớ được đã buột miệng trả lời triệt sản rồi. Sau đó tôi xem lại hồ sơ bệnh án thì thấy không ghi triệt sản nên mới nhớ lại”, bác sĩ Dậu nói.

    Bác sĩ Dậu cho biết thêm: “Trong quá trình mổ nếu phát hiện tử cung bệnh nhân dính, chúng tôi đều phải tư vấn, giải thích cho người bệnh. Chắc chắn tôi đã tư vấn cho bệnh nhân, nhưng có thể họ quên”.

    [​IMG]

    Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu, người thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản theo yêu cầu của sản phụ vào tháng 2/2016. Ảnh: N.P.

    Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bác sĩ Dậu có kinh nghiệm 34 năm trong nghề, hiện là Phó khoa Sản của Bệnh viện Bạch Mai. Tiến sĩ Hùng cũng khẳng định, về nguyên tắc bác sĩ bắt buộc phải thông tin cho người bệnh, nhất là bác sĩ phẫu thuật. Về quy chế, khi ra viện bệnh nhân được cấp giấy ra viện, trong đó ghi cách thức phẫu thuật để bệnh nhân biết bác sĩ đã làm gì trên cơ thể họ.

    Theo tiến sĩ Hùng, hiện ít người lựa chọn cách triệt sản do có nhiều phương pháp tránh thai khác nhau. Vì thế, triệt sản thường thực hiện trong quá trình mổ đẻ, trong trường hợp sản phụ có kèm bệnh lý như tim mạch. Triệt sản bằng cách cặp, cắt, buộc hai vòi trứng lại thì không thể có thai.

    Vì thế, tiến sĩ Hùng khẳng định trong trường hợp nói trên, có thể khẳng định là bệnh nhân chưa được triệt sản. Theo giấy tờ lưu tại bệnh viện, sản phụ cũng mới chỉ được mổ lấy thai, chưa được bác sĩ làm thủ thuật triệt sản.

    "Bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm với tất cả bác sĩ có thực hiện can thiệp xâm lấn để giải thích rõ ràng với bệnh nhân", tiến sĩ Hùng nói.

    Tháng 2/2016 trước khi mổ đẻ con thứ ba tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, gia đình đã ký giấy triệt sản cho sản phụ. Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu là người thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản này. Hơn một năm rưỡi sau bệnh nhân bất ngờ có thai. Vì hoàn cảnh gia đình, đã mổ đẻ hai lần và có ba con, lần này chị không thể giữ lại thai nhi. Trao đổi với bác sĩ, chị được giải thích "đã triệt sản và xác suất một nghìn người thì một người có thai lại".

    Nam Phương

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bác sĩ vụ bệnh nhân triệt sản vẫn có bầu: 'Tôi chưa làm thủ thuật'

Share This Page