Theo tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Y Dược học Dân tộc TP HCM, tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng, trung bình cứ trong 100 người dân thì có một trường hợp mắc, với mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Bệnh biểu hiện dưới nhiều dạng, song đều có chung đặc điểm là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần, về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân. Các nghiên cứu ghi nhận bệnh tâm thần phân liệt thường khởi phát triệu chứng ở người trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Trong thời gian này, bệnh nhân có biểu hiện xa lánh mọi người, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hay sợ hãi. Thông thường, bệnh phát nhanh với các triệu chứng cấp tính xuất hiện trong vài tuần, song cũng có thể chậm trong nhiều tháng, nhiều năm. Hoang tưởng là biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ảnh minh họa: geneticliteracyproject. Hiện nay các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm thần phân liệt. Người ta tin rằng bệnh này do một số yếu tố phối hợp gây ra, chẳng hạn như: Yếu tố di truyền: Bệnh tâm thần phân liệt có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Thông thường tỷ lệ mắc là 1% dân số. Đặc biệt, nếu cha mẹ bị tâm thần phân liệt thì tỷ lệ mắc bệnh ở các con tăng đến 12%. Yếu tố sinh hóa: Vài chất hóa học trong não được cho là góp phần gây ra bệnh này, nhất là dopamine. Yếu tố gia đình: Hiện chưa có bằng chứng khẳng định sự bất ổn trong gia đình gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên người ta nhận thấy bệnh nhân tâm thần phân liệt dễ tái phát hơn nếu sống trong bầu không khí gia đình căng thẳng. Yếu tố môi trường: Môi trường xung quanh quá nhiều sang chấn (stress) có thể góp phần thúc đẩy xuất hiện bệnh tâm thần phân liệt. Người bị tâm thần phân liệt có thể bị các triệu chứng điển hình nghiêm trọng như: Hoang tưởng: Là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân lại cho là đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, thường gặp nhất là: - Hoang tưởng tự cao: Ví dụ tưởng mình là tướng chỉ huy quân đội mặc dù chưa từng đi bộ đội. Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể chữa được các loại bệnh khó như ung thư dù họ chưa từng học ngành y. - Hoang tưởng bị hại: Ví dụ bệnh nhân nghĩ rằng hàng xóm hay người trong gia đình đang tìm cách đầu độc mình. - Hoang tưởng bị chi phối: Người bệnh nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình. Tùy theo từng thể hoang tưởng, bệnh nhân sẽ có một số phản ứng tương ứng. Chẳng hạn như từ chối ăn cơm chung với gia đình và tự nấu ăn riêng vì nghi ngờ có người đang tìm cách đầu độc mình. Ảo thanh: Bệnh nhân nghe một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay bên tai. Nội dung của ảo thanh thường là đe doạ, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng. Họ sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung của ảo thanh. Chẳng hạn, họ sẽ bịt tai khi nghe thấy ảo thanh là chửi bới. Bệnh nhân sẽ có hành vi tự vệ nếu nội dung của ảo thanh là đe doạ, thậm chí có thể giết người mà nghĩ là đang tự vệ. Rối loạn khả năng suy nghĩ: Lời nói của bệnh nhân trở nên khó hiểu. Đang nói họ chuyển sang chuyện khác hoặc đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ. Đôi khi bệnh nhân nói lung tung đến nỗi người nghe không hiểu họ nói gì. Bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể kèm theo số triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như: Mất ý muốn làm việc: Bệnh nhân không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập tốt trong trường học. Trường hợp nặng hơn có thể không còn làm tốt được các công việc đơn giản hằng ngày như quét nhà, giặt giũ, nấu ăn. Nặng nhất là bệnh nhân không còn chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém. Lưu ý: Tình trạng này do bệnh gây ra chứ không phải bệnh nhân lười biếng. Giảm sự biểu lộ tình cảm: Sự biểu lộ tình cảm của bệnh nhân bị giảm sút nhiều. Họ không phản ứng trước các sự kiện vui buồn hoặc ngược lại tỏ ra buồn bã khi có sự kiện vui và vui cười khi có chuyện buồn. Cách ly xã hội: Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, không nói chuyện với cả những người thân trong gia đình. Điều này có thể do bệnh làm cho khả năng nói chuyện bị giảm sút hoặc bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác vì hoang tưởng sợ ai đó hại mình. Không nhận thức được bản thân bị bệnh: Thông thường nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ mình bị bệnh nên từ chối đến gặp bác sĩ để chữa trị. Bác sĩ Ngọc Lan khuyên các gia đình nếu phát hiện người nào có một hoặc vài triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Tâm thần phân liệt là bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời, ngay cả khi triệu chứng đã giảm bớt. Điều trị bao gồm dùng thuốc và liệu pháp tâm lý xã hội. Trong thời kỳ khủng hoảng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nặng nên nhập viện để đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng, chăm sóc tốt, dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ, vệ sinh thân thể cơ bản. Trần Ngoan Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress