Khi cô nữ điều dưỡng mang nước đến, bà uống ừng ực hết cốc sau đó mới tiếp tục trình bày nốt ca khúc đang dang dở. Thấy các bác sĩ vỗ tay cười lớn cổ vũ, mọi người ngồi dưới cũng giơ cao cánh tay vỗ theo. Buổi karaoke của người bệnh tâm thần Ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, ai cũng biết bà Thảo là người có giọng hát tuyệt vời. Mỗi buổi karaoke, bà Thảo luôn ngồi ở trung tâm căn phòng, xung phong hát cho mọi người nghe. Cùng với bà Thảo, ông Thịnh cũng là "ca sĩ" nhiều người biết tại viện. "Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe, nghe tiếng đàn của tôi. Ngoài kia có chú bé trèo cây me, mà sao chú bé ngồi mơ màng", câu mở đầu ca khúc "Mặt trời bé con" được ông Thịnh cất giọng hát vô cùng ấm áp. Ông không nhìn những dòng chữ trong màn hình nhưng vẫn hát đúng nhạc. Thỉnh thoảng ông còn nhún nhảy, đưa tay lên vẫy không khác gì ca sĩ chuyên nghiệp. Ngồi bên dưới xem là đội cổ động viên hùng hậu với những tràng pháo tay vang dội như một lễ hội âm nhạc thực thụ. Bệnh nhân hát karaoke tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: L.N. "Lễ hội âm nhạc" này rất đặc biệt bởi nó không được tổ chức tại một nơi sang trọng mà là ở bệnh viện. Nó không có ánh đèn sân khấu, không có những bộ loa thùng đập bùm bùm mà chỉ có một màn hình tivi bé xíu. Nó còn đặc biệt ở chỗ tất cả ca sĩ, khán giả đều là những bệnh nhân tâm thần. Căn phòng rộng khoảng 30 m2 ở cuối khoa G chính là phòng hát karaoke của bệnh viện. Cứ 3h chiều hằng ngày, các bác sĩ lại mở đĩa nhạc để bệnh nhân đến hát. Người già trẻ, trai gái đều ngồi ngay ngắn ở 4 hàng ghế nhựa hào hứng thưởng thức âm nhạc. Là một trong ba bệnh viện tâm thần ở thủ đô, Bệnh viện tâm thần Hà Nội mỗi ngày có 80-100 bệnh nhân đến khám, trong đó khoảng 20 người nhập viện. Hiện bệnh viện điều trị nội trú hơn 400 bệnh nhân. Bệnh nhân vào viện thường gặp các vấn đề về tâm thần như trẻ bị loạn thần do nghiện game, nhiều chàng trai cô gái mắc sang chấn tâm lý vì chuyện tình cảm, áp lực công việc hoặc sử dụng chất kích thích. Nhiều ông bà già cũng mắc rối loạn tâm thần do mâu thuẫn gia đình, con cái... Đến Bệnh viện tâm thần Hà Nội ngày nay, hiếm khi chứng kiến cảnh bệnh nhân tâm thần bị nhốt trong căn phòng kín với đôi mắt vô hồn nhìn qua song cửa. Cảnh gào thét, rượt đuổi như trong phim trinh thám cũng không còn nữa. Ở đây, hầu hết bệnh nhân tâm thần đều sinh hoạt tập thể, vận động ngoài trời vui vẻ hòa đồng. Bệnh nhân chơi bóng chuyền tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Lê Nga. Ngoài hát karaoke, các bệnh nhân còn có một phòng gym tại viện để phục hồi chức năng. Nói là phòng gym nhưng ở đây đơn giản chỉ có 3 chiếc máy đi bộ, 3 cái xe đạp tại chỗ và 2 cái máy massage. Ở giữa khu điều trị B có một sân chơi tập thể. Ở đó, các bệnh nhân có thể chơi bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, tá lả... Những người có sức khỏe tốt thì tham gia chơi bóng, người sức khỏe còn yếu thì đứng xem, cổ vũ. "Chiều nào tôi cũng chơi bóng chuyền. Ban đầu vào viện rất yếu, giờ chăm chỉ chơi bóng, tập thể thao, sức khỏe tốt hơn nhiều. Sắp tới tôi có thể xuất viện về với gia đình", một bệnh nhân chia sẻ. Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng khoa điều trị bệnh nhân cấp và bán cấp nữ, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, bệnh nhân các khoa đều được sắp xếp lịch để tham gia những hoạt động trong nhà lẫn ngoài trời. Bệnh nhân nữ học khâu vá, thêu thùa, hát hò, trong khi bệnh nhân nam thì chơi bóng rổ, bóng bàn, cầu lông... Hầu hết mọi người đều rất hợp tác và vui vẻ thực hiện. Theo bác sĩ Thắng, ngoài liệu trình thuốc thang, bệnh nhân tâm thần cần được chú ý đến vấn đề tâm lý. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội sử dụng các liệu pháp điều trị bệnh nhân hỗ trợ cùng với thuốc như thể dục liệu pháp, âm nhạc liệu pháp, lao động liệu pháp... "Hát karaoke cũng là một trong những phương pháp điều trị rất hiệu quả với bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc... giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường", nam bác sĩ nói. Lê Nga - Trần Huấn Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress