Phần mềm sẽ hiển thị các thông số về lượng điện năng tiêu thụ, dòng điện, điện áp… giúp người quản lý có thể giám sát được lượng điện tiêu thụ trong một tòa nhà. Hai sinh viên đang thử nghiệm mô hình hệ thống tại phòng thí nghiêm của trường. Sản phẩm này do hai bạn sinh viên chuyên ngành điện công nghiệp, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (Q.1, TP.HCM) nghiên cứu. Hệ thống được các thành viên nhóm nghiên cứu xuất phát từ thời gian thực tập tại các doanh nghiệp. Việc quản lý năng lượng điện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu, kiểm soát năng lượng. “Quá trình thu thập dữ liệu, kiểm soát năng lượng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Từ cơ sở đó, nhóm nghiên cứu và phát triển đề tài “Hệ thống giám sát và thu thập năng lượng điện trong công nghiệp và dân dụng”. Sản phẩm này giúp thu thập năng lượng điện tiêu thụ trong nhà máy, xí nghiệp, tòa nhà... một cách nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian và chi phí nhân công” - Nguyễn Hữu Hồ, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát lượng điện tiêu thụ nhằm tránh nguy cơ bị phạt do tiêu thụ quá mức trong giờ cao điểm. Sản phẩm của nhóm gồm 2 phần chính: Một hệ thống đồng hồ đo điện vạn năng lắp đặt tại tủ điện chính của từng phòng cần đo đạc và giám sát năng lượng. Một giao diện giám sát năng lượng điện từ các đồng hồ đo điện chuyển về do nhóm tự lập trình. Màn hình cảm ứng HMI được lắp tại phòng giám sát và điều khiển trung tâm. Tại đây, người quản lý sẽ ghi nhận các kết quả, thông số đo lường thu được, đồ thị phụ tải, sự cố từ các khu vực tiêu thụ điện gửi về. Nguyễn Thành Lâm, thành viên nhóm, cho biết, hệ thống dữ liệu tính toán và lập trình theo công thức sẽ giúp người quản lý giảm được sai sót trong quá trình thu thập dữ liệu và tăng độ chính xác trong đo lường. “Ngoài ra, hệ thống có khả năng báo cáo các sự cố điện bằng cách phát tín hiệu trên màn hình điều khiển giúp người quản lý xử lý sự cố nhanh hơn, phòng tránh được những tình huống nghiêm trọng có thể xảy ra”-Lâm nói. Hệ thống này còn giúp người quản lý theo dõi toàn tải của nhà xưởng theo thời gian thực, hữu ích cho việc lên kế hoạch tiết kiệm điện và vận chuyển, điều phối và phân bố phụ tải để giảm các chi phí điện. Giao diện điều khiển của hệ thống có thể hiện thị thông tin bằng cà tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Mặc dù không có nhiều kiến thức về lập trình nhưng theo đánh giá của Th.s Phạm Văn Nghĩa, giảng viên Khoa Kỹ thuật điện, trường CĐ Cao Thắng, giao diện nhóm thiết kế rất đẹp và chi tiết dễ thao tác. Các dữ liệu thu thập được đúng so với thực tế, đáp ứng được phần thu thập và giám sát năng lượng điện trong các nhà máy và xí nghiệp. “Nhóm cần tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm trở nên thông minh hơn với khả năng tự điều khiển hệ thống điện trong nhà máy, tự xử lý lỗi khi xảy ra sự cố…” - Th.s Nghĩa nhận định. Hiện tại, đã có một doanh nghiệp đã liên lạc với nhóm nghiên cứu để có thể chuyển giao, ứng dụng thử nghiệm sản phẩm. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV