'Quyết định mang đa thai là đánh cược với tính mạng'

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Mar 20, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 369)

    Mang bầu một lần được cùng lúc nhiều con là điểm lợi duy nhất của việc có đa thai. Còn lại, theo các bác sĩ chuyên khoa sản, việc sinh ba, sinh bốn dễ khiến thai phụ và bé gặp nguy hiểm.
    Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, biến chứng đầu tiên dễ gặp với bà mẹ mang đa thai, nhất là trong trường hợp dùng thuốc kích thích phóng noãn, là tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim. Không ít trường hợp thai phụ gặp nguy hiểm tính mạng bởi nhà ở xa, không kịp đến bệnh viện cấp cứu khi biến chứng xảy ra bất ngờ.
    [​IMG]
    Ca sinh 5 tại bệnh viện Từ Dũ hôm 17/3 được xem là may mắn khi cả mẹ và các bé đều có sức khỏe tạm ổn sau sinh. Ảnh: Thiên Chương
    Điều bất lợi thứ hai khi mang nhiều thai, là tử cung bà mẹ không thể giãn nở tốt bằng chỉ mang một con nên rất dễ sẩy thai và sinh non. Càng nhiều thai thì khả năng sinh non càng cao.
    Điều bất lợi kế tiếp, do phải cung cấp dinh dưỡng cho cùng một lúc nhiều thai nên bà mẹ rất dễ bị suy dinh dưỡng sau khi sinh. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý khác về sau.
    "Nguy hiểm hơn cả là chứng tiền sản giật, vì có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con. Các thống kê cho thấy nếu mang song thai đa thai, tỷ lệ thai phụ bị tiền sản giật có thể lên đến 50% với biểu hiện thường thấy là cao huyết áp, đạm trong nước tiểu khiển sản phụ co giật. Chưa hết, mang đa thai, khi sinh sản phụ còn dễ bị băng huyết", bác sĩ Thủy nói.
    Cũng theo bác sĩ Thủy, mang đa thai rồi sinh 5 mà cả mẹ lẫn con đều vượt cạn an toàn như chị Như, người vừa sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ hôm 17/3 là hiếm gặp. "Đây là trường hợp khá may mắn", bà Thủy nói.
    Không chỉ mẹ gặp nguy hiểm, trẻ cũng đối mặt với nhiều khó khăn từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi chào đời.
    Trong bụng mẹ, do dinh dưỡng cung cấp không thể hoàn hảo bằng một thai nên phổi của thai nhi thường kém phát triển. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ thường phải hỗ trợ phổi bằng cách tiêm thuốc cho mẹ ở tuần thai thứ 28-29. Nếu không tiêm, trẻ sẽ rất dễ bị bệnh hô hấp sau khi sinh bởi phổi không khỏe.
    "Các bé thường bị sinh non. Hầu như không có trường hợp nào không sinh non, càng nhiều thai thì tỷ lệ sinh non càng cao, bé càng đối diện với nhiều bệnh tật và khó nuôi", bác sĩ Thủy nói.
    [​IMG]
    Các bé trong ca sinh 4 hồi giữa năm 2012 đều bị bệnh lý võng mạc do sinh non. Ảnh: Thiên Chương
    Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Tề Đăng, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cũng cho biết, hầu hết trẻ sinh non đều dễ bị bệnh hô hấp. Trẻ càng nhẹ cân thì nguy cơ suy hô hấp rất cao do phổi chưa phát triển hoàn thiện.
    Một điều khác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh tồn của trẻ sơ sinh chính là khả năng hấp thu dinh dưỡng của các bé thường rất kém. Thực tế cho thấy không ít trường hợp trẻ không thể tiếp nhận sữa hoặc tiếp nhận kém phải cung cấp dinh dưỡng qua tĩnh mạch.
    Ngoài ra, bệnh lý vàng da, võng mạc và thính giác cũng rất dễ xảy ra đối với trẻ sinh non nói chung và trẻ sinh non do đa thai nói riêng. Các bệnh lý này nếu không được theo dõi chặt chẽ và can thiệp kịp thời có thể khiến trẻ mù, điếc, thậm chí tử vong.
    Theo các bác sĩ, sinh quá nhiều con cùng một lúc còn dễ dẫn đến chuyện bố mẹ không đủ điều kiện (cả vật chất và con người) để chăm sóc và nuôi dạy các bé.
    "Chăm một trẻ đã vất vả, chăm cùng lúc 3-4 bé không phải là dễ dàng và nhất là sức khỏe của các bé thường yếu hơn trẻ sinh một. Luật không cấm, để bao nhiêu thai là tùy vào quyết định của gia đình, tuy nhiên phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định giữ cùng lúc nhiều thai", một bác sĩ có nhiều năm tiếp xúc và chăm sóc những ca đa thai tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ nói.
    Giải thích hiện tượng đa thai, bác sĩ Thủy cho rằng, việc sinh ba trở lên thường chỉ xảy ra trong những trường hợp thai phụ có can thiệp bởi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như dùng thuốc kích thích phóng noãn hoặc thụ tinh trong ống nghiệm...
    Ở thụ tinh tự nhiên, tức không kích thích phóng noãn thì một tháng chỉ có một nang noãn phát triển, tối đa là hai nang noãn và rất ít trường hợp có 3-4 nang noãn. Điều này khiến tỷ lệ sinh ba sinh tư đối với thụ tinh tự nhiên là rất thấp.
    Ngược lại khi dùng thuốc kích thích phóng noãn tự nhiên, người điều trị sẽ bị tác động toàn thân, thay vì chỉ có một buồng trứng có nang noãn thì lúc này nang noãn có ở cả hai buồng trứng. Khi giao hợp, tinh trùng qua ống dẫn trứng gặp nhiều trứng rụng thì khả năng đậu đa thai là rất cao. Trong trường hợp này, chuyện đậu được bao nhiêu phôi hoàn toàn mang tính tự nhiên, bác sĩ không quyết định được.
    Với thụ tinh trong ống nghiệm, khi đã nuôi được 5 phôi hoặc 10 phôi ở bên ngoài, bác sĩ thường tư vấn với gia đình sẽ bơm bao nhiêu và giữ lại bao nhiêu. Nguyên tắc tối thiểu là bơm vào buồng tử cung 3-5 phôi vì bơm ít thường khó thành công. Chính vì vậy, bác sĩ có can thiệp số phôi khi đưa vào tử cung nhưng việc thai phụ mang đa thai là vẫn có thể xảy ra.
    Bác sĩ Thủy cho biết, hiện nay, tỷ lệ thành công trong giảm thai cao, rất ít gây tai biến, thường là 2 phôi còn tồn tại. Tuy nhiên thủ thuật này chỉ thực hiện tốt ở trước 7-8 tuần thai, nếu muộn hơn tỷ lệ thành công sẽ thấp. Một điều cần lưu ý khác là chỉ nên hủy bớt một thai vì nếu hủy hết để lại một thai thì khả năng "mất trắng" là rất cao.
    Nhập viện tối 17/3 ở tuần thai thứ 33 rưỡi, chị Lê Huỳnh Anh Thư, 28 tuổi ở quận 5, TP HCM được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ cấp cứu. Năm bé lần lượt chào đời gồm 3 bé trai và 2 bé gái với cân nặng lần lượt là 2 kg, 1,5 kg, 1,8 kg và hai bé 1,3 kg. Các bé đang được chăm sóc tại khoa Sơ Sinh, 2 bé hiện sức khỏe chưa thật tốt do có dấu hiệu suy hô hấp. Trước khi mang thai chị Thư được can thiệp bằng thuốc kích thích phóng noãn. Biết đa thai, bác sĩ tư vấn bỏ bớt, nhưng chị và ông xã vẫn quyết định giữ con.
    Giữa năm 2012, chị Trần Thị Tình ở Đồng Tháp thụ tinh tự nhiên và sinh 4, các bé chỉ nặng lần lượt 1,5 kg, 1,2 kg, 1,6 kg và 1,7 kg. Hiện bé 1,2 kg đã nặng hơn 7 kg. Các bé đều bị bệnh lý võng mạc.
    May mắn hơn cả là chị Lê Thị Việt Trinh ở An Giang. Chị cũng dùng phương pháp kích thích trứng và sinh 4 bé vào năm 2011. Đến nay các bé đã phát triển tốt. Sức khỏe khá ổn định.
    Thiên Chương
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Quyết định mang đa thai là đánh cược với tính mạng'

Share This Page