Thai phụ 22 tuổi ngụ quận 6, TP HCM, nhập Bệnh viện Hùng Vương ngày 5/11 vì đau quặn bụng. Thai 38 tuần, cổ tử cung đã mở nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhiều nên chị được theo dõi ở phòng sinh và sau đó chuyển lên trại sản bệnh. Trong thai kỳ bác sĩ ghi nhận thai nhi có dây rốn quấn cổ. Chiều 8/11, sản phụ ra dịch ối, bắt đầu được theo dõi sát. Gần 22h cùng ngày, sản phụ được nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều đo tim thai và phát hiện nhịp chậm bất thường. Tim thai chậm khoảng 65 lần một phút, trong khi bình thường khoảng 120-160 lần. Xác định tình hình khẩn cấp, nữ hộ sinh Kiều "báo động đỏ" toàn kíp trực và nhanh chóng đẩy bệnh nhân xuống phòng khám. Bác sĩ Huỳnh Thiên Thảo lập tức siêu âm và thông báo tình hình cho trưởng kíp trực là bác sĩ Hồ Viết Thắng, Phó Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc. Tất cả y bác sĩ được huy động chuẩn bị cho các khâu để ca mổ được diễn ra nhanh nhất. Thậm chí bác sĩ Thắng bố trí người canh giữ thang máy, sẵn sàng mở các cửa để cáng thương bệnh nhân di chuyển được nhanh nhất, bởi để đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, muốn vào phòng mổ thường phải qua nhiều lớp cửa. "Trong khi chờ đưa bệnh nhân váo phòng mổ, các phẫu thuật viên đã rửa tay, mang găng tay, mặc áo mổ chờ sẵn. Nhóm gây mê cũng đã sẵn ống gây mê. Khi băng ca đẩy bệnh nhân tới nơi, trong khoảng 10 giây kíp mổ đã rạch da đưa được em bé ra ngoài", bác sĩ Thắng cho biết. Bé trai nặng 3 kg chào đời với dây rốn quấn cổ 4 vòng, chỉ vỏn vẹn sau 10 phút phát hiện việc tình trạng nghiêm trọng. Kíp hồi sức nhi cũng kịp thời có mặt để đón em bé về khoa chăm sóc. Chiều 10/11 bé đã tự thở tốt, hoàn toàn khỏe mạnh. Bé trai hiện ổn định sức khỏe, tự thở tốt. Ảnh: L.P Phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản Bệnh, nhận định trường hợp này nếu không mổ "thần tốc" mà chỉ chậm chừng 1-2 phút, tính mạng và sức khỏe em bé sẽ khó lường. "Thông thường quy trình chuyển sản phụ vào phòng mổ với các giấy tờ thủ tục mất khoảng 20 phút, trường hợp này mọi khâu chuẩn bị được tăng tốc phi mã", bác sĩ Trang nhấn mạnh. Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết thai nhi có dây rốn quấn cổ thường được phát hiện trong quá trình khám thai. Thai phụ không nên quá lo lắng mà chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Khoảng 2/3 số trường hợp dây rốn quấn cổ có thể sinh thường qua ngả âm đạo. Thường trẻ chỉ bị quấn cổ một vòng, hiếm khi đến 4 vòng dẫn đến suy tim thai đột ngột như em bé này. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress