Có một chi tiết dễ nhận thấy nhất để các game thủ nhận ra sự khác biệt giữa thiết bị ngoại vi chơi game đến từ nhà sản xuất SteelSeries với những tên tuổi lớn khác trên thị trường, đó chính là sự giản dị đến mức tinh tế nhưng cũng không kém phần bắt mắt của những thiết bị, đặc biệt là chuột chơi game của nhà sản xuất đến từ Đan Mạch này. Giữa năm 2011, SteelSeries tung ra Sensei, mẫu chuột chơi game được kỳ vọng sẽ là kẻ kế nhiệm hoàn hảo và “hào nhoáng” hơn của mẫu chuột laser cực kỳ thành công XAI. Gần như ngay sau đó, phiên bản rút gọn mang tên Sensei [RAW] được ra mắt, giữ nguyên kiểu dáng thiết kế của XAI và Sensei nhưng rút gọn nhiều chi tiết thừa khiến giá thành Sensei trở nên đắt đỏ như chip ARM hay màn hình ở đáy chuột. Trải qua một số phiên bản nâng cấp về bề mặt (hầu hết là phiên bản limited edition dành cho những tựa game mới ra mắt như Call of Duty Black Ops), thì gần đây nhất, phiên bản Sensei Raw mang tên Frost Blue đã được SteelSeries tung ra, phục vụ nhu cầu game thủ chuyên nghiệp (hay không chuyên) cũng như những người chuộng ngoại hình. Ngoại hình Về cơ bản, “số đo ba vòng” của Sensei RAW Frost Blue không gì so với những mẫu chuột tiền nhiệm. Điều khác biệt duy nhất trên mẫu chuột chơi game này so với Sensei RAW đời đầu, đó là thay vì sở hữu bề mặt bóng hoặc phủ cao su nhám đen, chuột sở hữu bề mặt màu trắng sứ và xám be rất nhã. Thêm vào đó là đèn LED màu xanh da trời ở 3 vị trí: Nút cuộn, logo ở cuối thân chuột và đèn hiển thị tốc độ chuột (trên ảnh hiển thị màu xanh nhạt trông rất đẹp, còn nếu mắt thường quan sát, đèn LED của Frost Blue đậm hơn nhiều). Giống như người tiền nhiệm, Sensei vẫn sở hữu 8 nút điều khiển, trong đó, ngoài nút điều chỉnh tốc độ chuột mặc định ra, thì cả 7 nút còn lại đều có thể được tùy chỉnh một cách tự do thông qua driver SteelSeries Engine. Phần cứng Sự lược bỏ lớn nhất của Sensei chính là việc SteelSeries đã “rút” khỏi Sensei RAW chip xử lý ARM 32 bit. Hệ quả kéo theo là, Sensei RAW mất đi những chức năng được chip xử lý này đảm nhận. Đầu tiên là tốc độ cảm biến. Nếu như với CPU ARM, Sensei có thể kéo lên tốc độ khủng là… hơn 11.000 DCPI, thì ở Sensei RAW, con số này chỉ dừng lại ở mức 5.670. Mặc dù không thể nào đem so sánh được với tốc độ 8.200 DPI mà cảm biến Avago đem lại cho Razer Taipan, tuy nhiên nếu như bạn không sở hữu một màn hình hiển thị vào dạng “siêu lớn”, thì cả 2 tốc độ chuột này cũng chỉ dừng lại ở mức độ quảng cáo sức mạnh. Tiếp theo, khả năng tùy chỉnh chức năng tự động nắn dòng chuột mang tên FreeMove cũng mất đi. Nếu như mẫu chuột “huyền thoại” Razer DeathAdder năm xưa phải qua rất nhiều lần nâng cấp firmware mới có thể “chữa lành” căn bệnh chip điều khiển can thiệp quá nhiều vào đường đi của cảm biến, thì Sensei RAW, hoàn toàn không có bất kỳ thứ gì can thiệp, đơn giản là do, chip xử lý ARM đã không còn. Cuối cùng, nhóm chức năng được đặt tên ExactTech cũng gián tiếp bị lước bỏ. Chúng bao gồm ExactLift, đảm nhận việc chỉnh sửa khoảng cách nhấc chuột để cảm biến ngừng hoạt động, ExactAccel, một dạng lệnh điều khiển tốc độ tăng tốc của chuột, ExactAim, ngược lại hoàn toàn với ExactAccel, khi con trỏ chuột cũng chậm dần khi chuột được di chuyển theo quãng ngắn (gia tốc ngược) và cuối cùng là ExactSens, giúp người sử dụng chuyển đổi tốc độ chuột theo đơn vị 1 DPI. Chính vì ExactLift đã không còn, nên khoảng cách cố định khi người sử dụng nhấc Sensei RAW khỏi bề mặt mousepad để cảm biến ngừng hoạt động là khoảng 2mm, một con số ấn tượng cho những game thủ có thói quen để tốc độ chuột thấp và hay nhấc chuột. Bên cạnh đó, người sử dụng có thể điều chỉnh tần suất refresh tín hiệu (polling rate) ở 4 mức: 125, 250, 500 và 1000 Hz. Hoạt động Mặc dù chỉ là phiên bản “ngố” của SteelSeries Sensei, nhưng chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng của mẫu chuột này. Có thể nói, với Sensei RAW, Thử nghiệm trên nền mousepad 9HD cho một số tựa game FPS như CS: GO, cũng như MOBA với DotA 2 trên nền 2 mousepad NP+ và Goliathus Speed, các tester thử nghiệm đều đi đến nhận xét chung là “quá tuyệt”! Chuột bám tay, có trọng lượng nhẹ cộng với feet stock có độ trơn cần thiết, nên ở tốc độ chuột 450 DPI, sensitivity in-game ở mức 2, người chơi vẫn có thể xoay trở một cách thoải mái. Đôi dòng khuyết điểm Như đã đề cập trong bài viết review mẫu chuột Sensei RAW vào khoảng thời gian nửa năm trước, tôi đã đề cập đến việc bề mặt trơn bóng của phiên bản chuột kể trên rất dễ bám bẩn từ mồ hôi và da chết trên tay người sử dụng. Với RAW Frost Blue, tình trạng này còn khiến người dùng quan ngại hơn, khi bản thân chuột có màu trắng, rất dễ lộ những vết bẩn trên bề mặt. Vì thế nếu bạn là người có đôi tay nhiều mồ hôi, hãy chăm chỉ lau và vệ sinh chuột nếu muốn gắn bó với Sensei RAW Frost Blue. Một điểm trừ nữa đến từ Sensei RAW, và cũng có thể là điểm trừ chung của những chú chuột với thiết kế đối xứng, đó là 2 nút phụ ở vị trí ngón áp út rất nhiều khi bị người chơi vô tình bấm phải do switch chuột khá nhạy. Một giải pháp được đưa ra là thông qua driver SteelSeries Engine, bạn có thể hủy bỏ các chức năng mà 2 nút phụ chạm vào ngón áp út đảm nhiệm để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình chơi game của mình. Tạm kết Sở hữu thiết kế đẹp mắt, tinh tế, những điểm trừ không đáng kể, cộng thêm khả năng hoạt động đã làm nên thương hiệu của những thiết bị ngoại vi SteelSeries, Sensei RAW Frost Blue biến thành một chú chuột chơi game phù hợp với hầu hết cộng đồng người sử dụng và các game thủ. Tuy nhiên với cái giá 1,9 triệu Đồng, việc đầu tư RAW Frost Blue chắc chắn không dễ đối với số đông những game thủ tại Việt Nam. Sản phẩm được hỗ trợ bởi H2 Shop. (Ảnh: Nút Chuối) Nguồn: GenK