Đáng báo động là trong 12 triệu người bị tăng huyết áp hiện nay tại Việt Nam, gần 50% chưa được phát hiện và khoảng 80% có điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu. Tại hội thảo "Bệnh lý tim mạch do xơ vữa tại Việt Nam, các hướng dự phòng tiên phát" diễn ra cuối tuần qua, giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhấn mạnh vai trò của dự phòng nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát bệnh trên những người chưa có bệnh. Các biện pháp dự phòng hiệu quả có thể giúp giảm 75% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sớm. Bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa nên vấn đề phòng ngừa rất cấp thiết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao thì bệnh tim đang dẫn đầu, chiếm hơn 40% trường hợp trên toàn cầu. Chi phí chăm sóc, điều trị là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Daily Express. Ngày càng nhiều người mắc bệnh tim mạch là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các hành vi hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực. Phần lớn những người bị nhồi máu cơ tim có mang các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, tăng mỡ máu, hút thuốc lá, ít vận động thể lực, uống rượu, căng thẳng tâm lý... "Đây đều là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để ngăn ngừa các bệnh tim mạch hiệu quả", giáo sư Lân Việt chia sẻ. Hiện ở Việt Nam các tuyến y tế cơ sở vẫn chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng. Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh tim mạch cần ăn uống lành mạnh nhiều rau quả, ít dầu mỡ, kết hợp vận động thể lực hợp lý, ngưng hút thuốc, giảm cân nặng, hạ cholesterol và huyết áp. Hạn chế rượu bia, giảm stress, khám sức khỏe định kỳ, chủ động kiểm tra nhịp tim để sớm phát hiện và kiểm soát các bất thường... Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress