Ngày 27/10, Sở Y tế TP HCM mời 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đến làm việc. 15 đại diện các phòng khám có mặt, bao gồm 5 người là bác sĩ phụ trách chuyên môn, còn lại chỉ là nhân viên. Tiến sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết cả thành phố có hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó 250 phòng khám đa khoa nhưng chỉ nhóm 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc là liên tục bị bệnh nhân khiếu kiện. "Các phản ánh của bệnh nhân cho thấy 'kịch bản' bị phòng khám Trung Quốc lừa khá giống nhau. Người bệnh bức xúc đặt câu hỏi thanh tra y tế liệu có tiếp tay hay buông lỏng quản lý, tại sao không đóng cửa phòng khám", bác sĩ Trạng cho biết. Theo Thanh tra Sở Y tế, "kịch bản" thường thấy là bệnh nhân vào phòng khám, nhân viên lễ tân hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đơn giản với chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau đó bệnh nhân được đưa lên bàn thủ thuật. Lúc này họ mới nhận được các chẩn đoán từ bác sĩ là bệnh rất nặng, nguy hiểm, có thể diễn tiến thành ung thư... với các chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ lại phát sinh các bệnh khác, bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn tới 50-70 triệu đồng. Bác sĩ Trung Quốc lánh mặt khi Bộ trưởng kiểm tra vào tháng 4/2017 Pháp luật cho phép phòng khám tư nhân tự định đoạt giá nhưng phải công khai với bệnh nhân về mức giá đó. Chánh thanh tra y tế đặt câu hỏi: "Tại sao chỉ có nhóm phòng khám bác sĩ Trung Quốc xảy ra tình huống bệnh nhân thiếu nợ, cầm cố giấy tờ tùy thân... để trả tiền sau?". Theo ông, nếu trường hợp cấp cứu, bệnh nhân không có tiền mà cơ sở y tế vẫn điều trị thì đáng ra phải khen. Tuy nhiên trong số này không có trường hợp nào cấp cứu, đều là bệnh có thể trì hoãn. Không ít bệnh nhân sau đó còn đặt câu hỏi, liệu họ có bệnh thật không hay bị bác sĩ phòng khám "vẽ ra để hù dọa". Các ghi chép về bệnh án của bệnh nhân tại phòng khám Trung Quốc rất sơ sài dù cơ quan chức năng đã chấn chỉnh nhiều lần. Luật quy định lỗi không ghi chép đầy đủ hồ sơ bệnh án chỉ bị xử phạt vài trăm nghìn đồng. Khi bệnh nhân phản ánh, thanh tra đến làm việc thì không có thông tin rõ ràng để đối chiếu, xử phạt. Bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn khi bị kiểm tra đều được thông báo đã nghỉ việc. Trước các phản ánh từ bệnh nhân được Thanh tra Sở Y tế TP HCM nêu trong cuộc họp, đại diện các phòng khám Trung Quốc đều không có ý kiến. Sở Y tế TP HCM yêu cầu các phòng khám phải ghi rõ ràng minh bạch hồ sơ bệnh án, gửi bảng giá chi tiết để đăng tải lên website sở, các hóa đơn phải kê khai rõ ràng chi tiết khoản thu. Đặc biệt quy chế ngành y yêu cầu bác sĩ phải chẩn đoán toàn diện bệnh nhân trong lúc khám, bàn bạc về phương pháp điều trị, giá cả với bệnh nhân. "Nếu phòng khám nào chẩn đoán 2-3 lần Sở sẽ mời bác sĩ phụ trách chuyên môn lên làm việc, xem xét khả năng chuyên môn và tước bằng khi cần thiết", ông Trạng nhấn mạnh. Thực tế trong y khoa có thể xảy ra tình trạng chẩn đoán sót, song là chuyện thỉnh thoảng gặp với ca khó. Sở Y tế sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ các sai phạm, lừa đảo tại các phòng khám Trung Quốc. Kết quả đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa ở TP HCM sau 5 đợt kiểm tra cho thấy, đa số phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đạt dưới 2,5 điểm trên thang điểm 5. Sở Y tế TP HCM sẽ siết chặt danh mục kỹ thuật ở những phòng khám này, nhất là những kỹ thuật điều trị hay bị bệnh nhân phản ánh như trĩ, cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, nhiễm trùng niệu, viêm nhiễm sinh dục nữ, phá thai, sùi mào gà... "Số điện thoại các bác sĩ phụ trách chuyên môn sẽ được công khai để người dân có thể trực tiếp khiếu nại khi cần thiết", Chánh thanh tra cho biết. Sở Y tế TP HCM 23 lần xử phạt các phòng khám Trung Quốc với hơn 827 triệu đồng, kể từ đầu năm đến nay. Có những phòng khám bị phạt nhiều lần như Đa khoa Baylor, Thế giới, Thái Bình Dương. Các nơi khác bị xử phạt hàng chục triệu đồng bao gồm Phòng khám Y học cổ truyền Tâm Đức, Phòng khám Nguyễn Trãi, Đa khoa 3 tháng 2, Thăng Long, Phú Khang, Đại Đông, Mayo, Hồng Phong, Elizabeth, Hoàn Cầu, Y học cổ truyền Cộng Hòa... Các sai phạm chủ yếu của các phòng khám này là lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung giấy phép hoạt động, không đảm bảo nhân lực... Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress