Tại điểm sâu nhất của Thái Bình Dương gọi là vực Mariana người ta đã phát hiện ra sự sống. Nhiều quần thể vi khuẩn sống biệt lập ở độ sâu khiến cho các nhà sinh học biển phải ngạc nhiên đã mở rộng giả thuyết về những nơi nào có thể sống trên hành tinh của chúng ta cũng như các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời. Ông Ronnet Klad, người phụ trách nhóm các nhà khoa học của Trường ĐH Nam Đan Mạch cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ rằng có thể tìm thấy các vi sinh vật, nhưng không hy vọng chúng có mức độ phát triển như những quần thể vi khuẩn phong phú đến thế. Chúng tôi phải tự hỏi làm thế nào để chúng có thể sống ở độ sâu như vậy”. Hình ảnh mô tả độ sâu của vực Mariana. Hãy nhớ lại rằng sống ở độ sâu 11km, vi khuẩn phải chịu một áp suất rất lớn, không có tia sáng nào có thể rọi tới và hầu như không có oxy. Vậy mà chỉ tận dụng các chất phế thải hữu cơ dưới một vực thẳm dưới đáy đại đương, chúng vẫn sống và sinh sôi. Ngoài ra, số lượng và hoạt động của chúng cao gấp 10 lần so với quần thể vi khuẩn sống tại các đáy phẳng dưới đại dương, nơi độ sâu chỉ là 5-6km. Quần thể vi sinh vật sống “tự trị” dưới đáy vực Mariana là do robot phát hiện. Thiết bị nghiên cứu tự động hoá này chỉ nặng có 600kg nhưng là một phòng thí nghiệm thực sự. Nó có khả năng tự động lấy lên các mẫu đất đá, phân tích thành phần của nước và thực hiện các thao tác khoa học khác. Các tác giả cho rằng có sự tương đồng cao giữa các vi khuẩn này với đồng loại tồn tại trong nước đại dương ở vệ tinh Europa và Enceladus - những vệ tinh thiên nhiên của sao Mộc và sao Thổ. Để nghiên cứu đại dương trên các vệ tinh này, các nhà nghiên cứu đã có kế hoạch chế tạo các robot tự hoạt động dưới nước, tương tự như các loại đã từng sử dụng để tìm kiếm vi khuẩn trong các vùng sâu nhất của Thái Bính Dương. Trước đây, người ta đã phát hiện ra những quần thể vi khuẩn sống trong các lớp đất đá chứa bên trong các chất khí do núi lửa phun ra cũng như những mạch nước ngầm nóng bỏng. Nguồn KhoaHoc.com.vn