MH370 có thể sẽ mãi không được tìm thấy do những sai lầm của con người trong chiến dịch tìm kiếm đầy quy mô và tốn kém hàng trăm triệu USD. Ngày 14/10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Trung Quốc có bài viết chỉ trích Cục An toàn Hàng không Australia (ATSB) vì nỗ lực tìm kiếm máy bay MH370 suốt 3 năm qua. Theo tờ báo này, không nên hy vọng vào chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này, vì việc tìm kiếm nửa vời, mắc nhiều sai lầm, không có cơ sở để hi vọng. Khi vụ tìm kiếm MH370 được giao cho Australia, cựu sĩ quan hải quân Mỹ Stephen Ganyard nói: “Thật tốt khi để Australia xử lý vụ việc này. Chúng tôi thấy rằng chính phủ Malaysia không đủ năng lực làm việc như người Australia”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với nhận định này. Christine Negroni, một phóng viên chuyên điều tra về tai nạn hàng không, nói: “Cục ATSB của Australia từng bị chỉ trích vì khả năng hạn chế khi điều tra vụ tai nạn hàng không năm 2009 ở đảo Norfolk và gây ra tranh cãi rất lớn về sau. Giám đốc cục ATSB cũng nói rằng cuộc tìm kiếm này là thách thức của cuộc đời ông”. MH370 vẫn bặt vô âm tín sau 3 năm 7 tháng. Negroni cho biết người đầu tiên được chỉ định dẫn đầu đoàn tìm kiếm của Australia là Angus Houston, cựu Chỉ huy Lực lượng phòng thủ Australia. Dù rất nổi tiếng trong quân đội nhưng ông này chưa từng có kinh nghiệm xử lý các vụ tai nạn hàng không dân sự hay tìm kiếm dưới biển. Ban đầu, lựa chọn của Malaysia không phải là cục ATSB mà là cơ quan điều tra hàng không của Pháp. Đơn vị này từng điều tra vụ máy bay Air France A330 năm 2009. Xác máy bay được tìm thấy chỉ trong 2 năm tìm kiếm với chi phí chưa đầy 40 triệu USD (bằng một phần tư so với chi phí tìm kiếm MH370). Tuy nhiên, giám đốc của cơ quan điều tra hàng không Pháp lúc đó đã từ chối vụ tìm kiếm MH370. Florence de Changy, một nhà báo ở Hong Kong, nói rằng nỗ lực tìm kiếm của Australia chỉ giúp chính quyền Malaysia lấy lại thể diện trên mặt báo. “Họ làm như vậy để dư luận thấy rằng, dù không thể tìm thấy máy bay thì mọi thứ vẫn được kiểm soát”. Theo phân tích của Changy, đội tìm kiếm có nhiều lỗi như xác định sai khu vực cần tìm kiếm, sử dụng các phương pháp và dữ liệu chưa được kiểm chứng, không tập trung tìm kiếm ngay các mảnh vỡ trôi nổi trong thời gian đầu sau khi máy bay rơi... Do vậy, cô cho rằng quá trình tìm kiếm MH370 chỉ là “sai lầm nghiêm trọng” và nó chẳng có ích gì ngoài trấn an dư luận. Máy bay MH370 trên đường khởi hành từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) thì bất ngờ gặp nạn. Toàn bộ hành khách trên khoang thiệt mạng và đây được xem là bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới. Vụ việc xảy ra vào tháng 3/2014 và bất chấp nhiều nỗ lực được thực hiện, chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines vẫn bặt vô âm tín. Trước thời điểm máy bay mất liên lạc hoàn toàn với kiểm soát không lưu, phi công gửi tin nhắn “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370”. Trong số 239 hành khách thiệt mạng, 153 người là công dân Trung Quốc. Sau 3 năm 7 tháng tìm kiếm liên tục, hàng trăm triệu USD đã được sử dụng nhưng kết quả thu về vẫn là con số không. Vị trí chính xác của máy bay MH370 vẫn là bí ẩn. Tờ Malay Insight cho biết quá trình tìm kiếm này trải dài trên một diện tích lên tới 710.000km2 (lớn nhất từ trước tới giờ), trong đó 120.000km2 được thực hiện bằng ảnh chất lượng cao. “Đây có thể xem là một điều khó chấp nhận trong lịch sử hàng không hiện đại. Một chiếc máy bay thương mại lớn tới vậy biến mất mà không ai biết chính xác chuyện gì xảy ra”, Cục ATSB viết thông báo hôm 3/10. Thủ tướng Malaysia Najib Razak từng tuyên bố rằng: “máy bay mất tích ở giữa Ấn Độ Dương, phía tây của thành phố Perth, Australia”. Một điều khó giải thích nhất hiện nay là chiếc MH370 với kích thước rất lớn, trang bị hệ thống liên lạc tối tân, chưa kể hàng trăm điện thoại của hành khách – bỗng nhiên tắt ngấm trong vài giây trên màn hình radar. MH370 lần cuối được nhìn thấy trên radar là tại khu vực có hệ thống giám sát chặt chẽ bậc nhất thế giới, vậy nhưng nó vẫn biến mất bí ẩn. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV