Robot giống người - câu chuyện tưởng như thú vị, nhưng khi phải đối mặt với một người máy giống con người đến kinh ngạc, chúng ta lại cảm thấy sợ. Đó là nội dung của Uncanny Valley. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như ngày nay, tham vọng tạo ra một robot hay những nhân vật giả tưởng giống con người ở mức "không thể tin nổi" là một điều hoàn toàn có cơ sở. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn việc biến nó thành sự thật thì khác. Loài người chúng ta là một sinh vật bậc cao, đồng nghĩa với việc để có thể tạo ra một thứ như một bản sao thì đòi hỏi phải tính đến từng cử chỉ biểu cảm. Và nếu như chỉ đạt đến một mức độ nào đó, tạo ra robot giống con người nhưng vẫn-là-robot, chúng ta sẽ rơi vào một hiệu ứng gọi là Uncanny Valley – Thung lũng kỳ lạ. Cụ thể Uncanny valley là gì? Hiệu ứng này được hiểu rất đơn giản như sau, khi một cái gì đó không phải con người, nhưng có một số nét giống người, nó sẽ trở nên rất hấp dẫn. Có điều, cũng tạo vật ấy trở nên quá giống người, nhưng lại không hoàn hảo 100%, mà vẫn có những dấu vết không phải người, thì chúng ta lại cảm thấy sợ hãi. Có thể lấy những con búp bê làm ví dụ. Nếu thấy một con búp bê có thể nói, liếc mắt, di chuyển, bạn sẽ cảm thấy thú vị hay lại giống như... Annabelle? Nếu một con búp bê nhìn bạn cười thì bạn cảm thấy thế nào? Hiệu ứng bắt nguồn từ đâu? Được định nghĩa bởi Masahiro Mori vào năm 1970, thuật ngữ này miêu tả một phản ứng lạ trước những vật nhân tạo gần giống con người, như Robot hay các nhân vật game, hoạt hình. Khi đó, Mori đang chế tạo một người máy theo khuôn mẫu của chính ông. Những người quan tâm ban đầu cảm thấy thích thú, nhưng khi nó càng ngày càng giống người hơn (có da, tóc và mắt giả, cảm xúc gương mặt…), họ lại thấy kinh sợ. Ông sau đó đã lập ra một biểu đồ, và đặt cho nó cái tên như chúng ta đã biết. Đây chính là Uncanny Valley - thung lũng kỳ lạ. Miêu tả về hiệu ứng này thì đơn giản, nhưng để đi sâu vào trong đó thì là một chuyện hoàn toàn ngược lại. Kết quả, nó đã dấy lên một cuộc tranh luận không hồi kết về sự tồn tại thực sự của hiệu ứng. Ví dụ như Jari Kätsyri và đồng nghiệp từ ĐH Maastricht đã tiến hành nghiên cứu, sau đó đưa ra kết luận rằng hiệu ứng này rất khó để nhận biết, và nó có thể không có thực. Hiroshi Ishiguro - một kỹ sư tạo ra robot giống hệt bản thân mình. Nhưng đồng thời, Maya Mathur và David Reichling từ ĐH Stanford đã nghiên cứu trên 80 con robot thật. Các số liệu của họ cho thấy xu hướng quan tâm của con người với robot hoàn toàn đúng so với Masahiro Mori dự đoán. Từ đó có 3 giả thiết được đưa ra về hiệu ứng này. Thứ nhất, "Thung lũng kỳ lạ" xảy ra tại ranh giới trạng thái Không-Phải-Con-Người chuyển sang Con Người. Thứ hai, sự hiện diện của nó có thể tùy thuộc và việc liệu chúng ta có thể tin rằng những vật thể "tựa con người" đó có linh hồn như chúng ta hay không. Giống như nỗi sợ búp bê vậy, nếu như tin có thứ gì đó đang "ám" vào nó, bạn sẽ thấy nỗi sợ kinh khủng hiện lên. Cuối cùng, hiệu ứng này xảy ra chỉ khi xuất hiện sự thiếu liên kết giữa biểu cảm và hành động của chính những vật mẫu ấy. Ví dụ như nỗi sợ chú hề, lớp trang điểm khiến chú luôn cười, và đó là yếu tố làm nên sự đáng sợ. Robot đáng sợ hay không? Câu trả lời là Không! Kết luận này được dựa trên nghiên cứu của Kurt Grey và Daniel Wegner. Kết quả nghiên cứu ấy cho thấy, robot chỉ đáng sợ khi mọi người nghĩ rằng chúng có khả năng cảm nhận và tự trải nghiệm mọi thứ, và nếu chúng không hề có một trí não hay tình cảm linh hồn như con người thì không hề đáng sợ. Tuy vậy, hiệu ứng thung lũng kỳ lạ vẫn hiện hữu, khi ngày càng có nhiều robot giống người xuất hiện. Dưới đây là một số ví dụ. 1. CB2 Robot Trẻ Con CB2, một robot có cơ thể sinh học được phát triển trong dự án JST ERATO Asada và công ty Kokoro Ltd. 2. Robot tiếp tân Saya Sở hữu 27 cơ mặt nhân tạo do ĐH Khoa học Kobayashi tại Tokyo sáng chế, nhưng Saya có lẽ sẽ mang đến một cảm giác cực kì ghê rợn cho người xem. 3. Kurokawa và Actroid-F Được tạo ra bởi công ty robot Kokoro và Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Nhật Bản (AIST). Tuy có khả năng nói chuyện, nhưng cặp robot này chỉ có 12 biểu cảm khuôn mặt được tích hợp. 4. Jules Là một robot do David Hanson thiết kế và hoàn thiện, Jules có thể nói chuyện cũng như biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt một cách dễ dàng. Bạn sợ robot nào nhất? Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV