Nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ quan điểm về quốc gia khởi nghiệp. Dan Senor - cây viết bình luận của báo Jesusalem Post và Saul Singer - nghiên cứu sinh tại Hội đồng đối ngoại Mỹ, đồng tác giả cuốn Quốc gia khởi nghiệp: Phép lạ kinh tế của Israel có lẽ là những người đầu tiên đưa ra cụm từ “Quốc gia khởi nghiệp” (startup nation). Cụm từ này khái quát thành công kinh tế của một nước nhỏ với 7,1 triệu dân và một lịch sử lập quốc hơn 60 năm - một đất nước vẫn còn đặt trong trạng thái chiến tranh, với sự bao quanh của các quốc gia thù địch lớn hơn gấp nhiều lần. Các tác giả nêu bằng cớ của sự thành công là 63 công ty khởi nghiệp Israel lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) năm 2009, nhiều hơn bất cứ công ty nước ngoài nào niêm yết trên sàn công nghiệp Mỹ này. Các dịch giả và nhà xuất bản Việt Nam không hề che giấu ý muốn so sánh Israel và Việt Nam. Họ thấy trạng thái của Việt Nam còn tốt hơn Israel nhưng nghèo hơn quốc gia này rất nhiều. Tất cả đều nuôi khao khát Việt Nam cũng sẽ là một quốc gia khởi nghiệp. Đó là một văn hóa khởi nghiệp đến từ mọi tầng lớp của quốc gia trên tinh thần khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, từ những phát kiến của đổi mới sáng tạo và đột phá. Đối với quốc gia khởi nghiệp, nên hiểu đó là tinh thần đồng tâm hiệp lực mang tính hệ thống của cả quốc gia. Nhờ thế giúp chúng ta vượt qua được những thách thức của sự biến đổi từng ngày, từng giờ trên thế giới về quá trình tiến hóa và phát triển. Từ đó thu ngắn khoảng cách với những quốc gia có nền kinh tế đã phát triển, để Việt Nam thật sự giàu mạnh. Tuy vậy, xuất phát điểm làm giàu của mọi người rất khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của đất nước, của địa phương, của gia đình cũng như của chính bản thân họ. Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng khởi nghiệp cần phải có tầm nhìn. Ảnh: NVCC. Nhìn chung, tại Việt Nam, mục đích của làn sóng quốc gia khởi nghiệp hướng đến không chỉ về số lượng mà phải cả về chất lượng của doanh nghiệp. Đầu năm 2017, có hơn 60.000 doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, cũng có hơn 40.000 doanh nghiệp dừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn lý do được đưa ra là không như kế hoạch. Hiện tỷ lệ tồn tại của doanh nghiệp sau 3-5 năm là 20-30% nhưng chỉ là 5-10% đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Con số này chưa kiểm chứng, nhưng có thể ít hơn. Vì vậy, gia tăng số lượng doanh nghiệp nhưng đồng thời phải giảm thiếu số công ty ngưng hoạt động nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, tức chú trọng vào “chất” là điều tối cần thiết. Khởi nghiệp chủ yếu xuất phát từ những ý tưởng đột phá, chưa có tiền lệ. Vì thế, không khó hiểu khi những người khởi nghiệp luôn phải đối diện với không ít rủi ro bất trắc, khác hẳn với sự thận trọng an toàn trong kinh doanh đúc kết bằng trải nghiệm của những người lập nghiệp. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hình khởi nghiệp và lập nghiệp. Trong cuốn Quốc gia khởi nghiệp có nhắc đến việc cố thủ tướng Israel Simon Peres từng ngồi với nhà khởi nghiệp trẻ Shai Agassi để kêu gọi những nhà đầu tư bỏ vốn cho dự án táo bạo là sản xuất xe chạy điện vào năm 2007. Shai Agassi - lúc đó chưa quá 30 tuổi, đã nghĩ rằng cần phải có một quốc gia không cần đến dầu mỏ và anh bắt đầu với xe hơi điện. Đó là một ý tưởng điên rồ. Nhưng nay thì nó đã hiện thực. Thông thường, khởi nghiệp trải qua một quá trình và có lúc đã định hình như một quy trình. Việc này bao gồm các bước khát vọng làm giàu, ý tưởng đột phá, xác lập tầm nhìn và kế hoạch khởi nghiệp. Trong đó, cần lưu ý về tầm nhìn. Tầm nhìn thể hiện qua việc chúng ta mong muốn gì về tương lai của đất nước, của địa phương, của chính doanh nghiệp khởi nghiệp? Việt Nam sẽ là quốc gia lớn mạnh như thế nào trong khu vực trong những thập niên tới, nếu so sánh với các nước trong khối ASEAN, châu Á? Địa phương sẽ phát triển như thế nào để đạt đến vị thế mong muốn trong khuôn khổ quốc gia? Doanh nghiệp của chúng ta sẽ như thế nào trong tương quan với cộng đồng doanh nghiệp địa phương, quốc gia và quốc tế? Theo báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 “Hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân” do Ngân hàng thế giới và MPI biên soạn, có 4 kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào GDP trên đầu người. Một là tăng trưởng 8% tương ứng với 22.000 USD trên đầu người. Đây là kịch bản tham vọng nhất so với ba kịch bản còn lại lần lượt là 7%, 6% và 5%. Mặc dù vậy, ta thấy kịch bản này khó khả thi, nếu không có được một cú hích mang tính đột phá trong cải cách kinh tế. Người khởi nghiệp bao giờ cũng đầy hoài bão lớn lao. Tuy nhiên, hoài bão mà thiếu tầm nhìn sẽ luôn chỉ là phong trào và dễ khiến chúng ta nản lòng, bỏ cuộc khi gặp thất bại ban đầu. Tôi tin khả năng đóng góp vào nền kinh tế nói chung của phong trào quốc gia khởi nghiệp với người Việt Nam. Nhưng hãy đi theo cách mới và thực tế hơn. Chúng ta đã bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, vậy thì đừng bỏ lỡ cơ hội ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng 4.0 này. Người khởi nghiệp có thể tận dụng định hướng, thành quả và cả cách phát triển trong tương lai để hình thành nên sản phẩm của mình. Hãy nắm bắt mọi ngóc ngách của 4.0 bởi dòng chảy đang dẫn đến những điều xảy ra trong tương lai. Ông Phạm Phú Ngọc Trai từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực Phẩm Sài Gòn (Foodexco), Tổng công ty SPco, Công ty liên doanh nước giải khát quốc tế IBC trước khi trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương, Phó Chủ tịch Corporate Affairs khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo cấp khu vực và một số thị trường quan trọng (Mỹ, Ấn Độ, Singapore…) tại tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Ông đưa Pepsico Việt Nam 4 lần liên tiếp giành hạng nhất của giải thưởng DMK - giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu. Trương Sanh (ghi) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress