Gặp tai họa bất ngờ, có người nhanh chóng phản ứng và thoát được, cũng có người chỉ đứng đó mà không làm gì. Vì sao vậy? Qua nghiên cứu phản ứng của con người khi gặp một tai họa bất ngờ ập đến, các nhà tâm lý học kết luận rằng người ta thường không phản ứng kịp thời và hay có những hành động tự đưa họ vào chỗ hiểm nguy. Những hành khách đã thoát ra lại lẩn quẩn kế bên chiếc máy bay đang cháy để chụp ảnh. Những cái chết lãng xẹt Đã có rất nhiều trường hợp chết rất lãng xẹt, như khi sóng thần tràn vào bờ biển nhiều người vẫn điềm nhiên đứng ngắm hay chụp ảnh thay vì phải chạy thật nhanh lên nơi cao; khi máy bay gặp tai nạn lúc cất cánh hay hạ cánh, nhiều người vẫn nấn ná tìm hành lý chứ không chịu chạy ngay đến cửa thoát hiểm... Thậm chí, có người đã thoát ra khỏi máy bay đang cháy, thay vì chạy đến một chỗ xa an toàn, họ lại đứng gần đó để chụp ảnh để đăng lên Facebook, Twitter. Những người may mắn sống sót trong những tai họa đó, một phần nhờ vận may, nhưng chủ yếu là nhờ vào phản ứng nhanh nhạy và hành động hợp lý. Những khóa huấn luyện kỹ năng sinh tồn không phải dạy cho người ta phải làm gì khi gặp tai họa, mà chủ yếu là rèn luyện cho họ những gì KHÔNG ĐƯỢC LÀM trong tình huống đó. Các chuyên gia tâm lý cho biết có đến 80-90% số người không phản ứng nhanh nhạy và hợp lý khi gặp tai họa. Trong trận động đất kinh hoàng năm 2011 ở Nhật, các camera an ninh trong các siêu thị cho thấy thay vì chạy ngay ra ngoài thoát thân, nhiều người lại cứ ở đó cố giữ cho các chai rượu trên quầy không bị rơi xuống đất. Cũng như trong vụ chiếc máy bay chở khách bị bốc cháy ở sân bay Denver (Mỹ) hồi tháng 7 năm nay, những hành khách đã thoát ra an toàn lại cứ lẩn quẩn kế bên chiếc máy bay đang cháy rừng rực để chụp ảnh tự sướng bất chấp việc nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Theo các nhà nghiên cứu, một người dù cực kỳ thông minh đi nữa cũng chẳng phản ứng tốt hơn một người có đầu óc trung bình. Lúc này não bị hiện tượng gọi làsương mù, làm tê liệt mọi suy nghĩ, lý trí. Năm 2001, một giảng viên ở đại học Cambridge bị lật xuồng khi đang chèo trong vùng vịnh biển Isle of Wight. Dù ông này có mang theo một cái điện thoại di động, nhưng mất đến 20 phút sau ông mới nhớ ra, và gọi cho bố mình đang ở Dubai (UAE) cách xa đó đến những… 5.000km, thay vì gọi cho lực lượng tuần duyên ở gần đó đến cứu hộ. Các chuyên gia tâm lý đã phân tích rằng sở dĩ con người có những phản ứng tự gây nguy hại cho mình là bởi những nguyên nhân sau: 1. Bị tê liệt Con nai băng qua lộ gặp đèn pha ô tô là cứ đứng chết trân một chỗ. Khi nghĩ đến hành vi của con người khi gặp tai họa, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh đám đông tháo chạy, tay vung vẩy trên đầu như trong phim ảnh. Nhưng trong thực tế nhiều người chẳng làm gì cả, họ chỉ đứng chết trân một chỗ. Cụ thể, trong vụ 3 tên khủng bố lao xe và dùng dao đâm chém khách bộ hành trên cầu London vào ngày 5/6/2017 vừa qua, một cảnh sát viên đã trực tiếp ngăn chặn bọn khủng bố kể lại là khi đó nhiều người cứ đứng ngây người ra "như con nai qua lộ gặp đèn pha ô tô", không hề có phản ứng chống đỡ hay trốn chạy. Sở dĩ có điều này là do bản năng thừa hưởng từ tổ tiên động vật tiền sử của loài người. Khi chúng ta sợ hãi, não gần như ngưng hoạt động, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất ra thật nhiều adrenaline, các cơ bắp sẽ căng cứng, tiểu não ở cổ sẽ gửi tín hiệu cho cơ thể đứng yên tại chỗ. Đây cũng là bản năng sinh tồn rất cơ bản của hầu hết các loại động vật, là thái độ ứng phó sau cùng khi đối diện một hiểm nguy khi không kịp chạy trốn, chúng sẽ thu mình tại chỗ không nhúc nhích để tránh bị thú ăn thịt phát hiện. Trong trận cháy rừng khủng khiếp ở Bồ Đào Nha mới đây, nhiều người đã bỏ mạng vì vẫn cứ nấn ná, đợi đến phút chót mới chịu sơ tán thì đã không còn kịp. 2. Không còn khả năng suy nghĩ tỉnh táo Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, Israel bị Iraq tấn công bằng tên lửa Scud. Chính phủ Irael lo ngại phía Iraq sẽ sử dụng hỏa tiển mang chất độc hóa học để tấn công như họ đã làm rất nhiều lần trong cuộc chiến Iran - Iraq hồi thập niên 80. Toàn bộ dân Israel đều được phân phát mặt nạ phòng độc và thuốc giải độc, mọi hộ dân cư đều phải xây một căn phòng trú ẩn, khi có báo động, các thành viên gia đình phải ngay lập tức chạy vào nơi trú ẩn và đeo mặt nạ phòng độc. Từ ngày 19 đến 21/1, phía Iraq đã 23 lần phóng các tên lửa mang 11 tấn thuốc nổ vào thủ đô Tel Aviv của Israel, nhưng may mắn là không có cuộc tấn công nào bằng chất độc hóa học. Khoảng hơn 1.000 người thương vong, nhưng thực tế, chỉ có 234 người (22%) là trực tiếp do tên lửa gây ra, số còn lại hơn 800 người là tự gây thương vong cho mình vì những hành động sai lầm của họ. 11 người chết vì ngạt do đeo mặt nạ nhưng không mở khóa bộ lọc không khí, vài trăm người khác tự tiêm thuốc giải độc vào mình dù họ hoàn toàn không bị nhiễm độc chút nào, và 40 người khác bị trặc chân, gãy tay khi chạy vào nơi trú ẩn. Vậy, điều gì đã xảy ra? Dù trong điều kiện tốt nhất, não của chúng ta vẫn bị bối rối và đưa ra biện pháp xử lý rất chậm trong khi tai họa diễn ra lại rất nhanh. Khi máy bay gặp sự cố và hành khách phải sơ tán khẩn cấp, nhiều người loay hoay mãi vẫn không tháo được khóa dây đai an toàn. Quy định an toàn hàng không buộc các hãng chế tạo máy bay phải thiết kế làm sao để bảo đảm trong vòng 90 giây là có thể sơ tán hết hành khách ra khỏi máy bay. Nhưng với khoảng thời gian này, nhiều hành khách còn lúng túng chưa tháo được dây an toàn chỗ ghế ngồi của mình. Trong một tai họa, tốc độ suy nghĩ của chúng ta từ tệ đến rất tệ. Đầu tiên, não sẽ ra lệnh cho cơ thể sản xuất hormone dopamine, chất này giúp cho cơ thể có trạng thái thư giãn, dễ chịu. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cơ thể để ứng phó với hiểm nguy. Dopamine sẽ kích hoạt cơ thể sản xuất thêm thật nhiều hormone khác như adrenaline và cortisol. Và đây là lúc mọi thứ sẽ rối tung lên. Hỗn hợp các hormone này sẽ ngắt hoạt động của phần võ não ở trán, phần não này điều khiển các chức năng như xử lý và quyết định các hành động, phân biệt đúng sai, dự liệu, trong khi chúng ta lại cần nó nhất. Hậu quả là chúng ta không còn khả năng suy nghĩ một cách tỉnh táo, quên mất những gì học được về tự bảo vệ bản thân và sẽ đưa ra những quyết định sai lầm. 3. Suy nghĩ phiến diện Để đói phó với một tình huống khó khăn, ai cũng nghĩ là mình sẽ nghĩ ra được cách xử lý sáng suốt. Thực tế là ngược lại, khi đó chúng ta lại chỉ nghĩ ra được một giải pháp duy nhất và lặp đi lặp lại cho dù giải pháp đó thất bại. Điển hình là việc thiết kế các dây đai an toàn của ghế ngồi trên máy bay phải điều chỉnh lại vì điều này. Trước đây, vị trí khóa tháo nằm cao gần ngực, nhưng kết quả điều tra các tai nạn máy bay cho thấy hành khách chỉ chăm chăm nhìn xuống hông tìm khóa tháo dây khi máy bay gặp sự cố. Và ngay cả những phi công dày dạn kinh nghiệm, khi máy bay bị sự cố, họ cũng chỉ chăm chú nhìn vào một thiết bị điều khiển duy nhất. Những người bị tổn thương làm hư hỏng vùng vỏ não trán thương cũng thể hiện suy nghĩ phiến diện như vậy trong cuộc sống hàng ngày. 4. Vẫn giữ thói quen sinh hoạt thường nhật Lũ sắp tràn về, nhiều người vẫn loay hoay tìm ví, khóa van gas bếp, cúp cầu dao điện trong nhà. Đã có rất nhiều người bỏ mạng vì dù đã thoát ra được căn nhà đang cháy hay sắp bị lũ nhấn chìm, họ lại cố trở vào chỉ lấy để cái ví hay để kiểm tra xem đã khóa gas bếp, cúp cầu dao điện hay chưa. Đúng là có vẻ điên rồ khi bỏ mạng chỉ vì những hành động vô nghĩa đó, nhưng nó lại diễn ra thường xuyên đến mức các nhà tâm lý gọi là "hành vi rập khuôn". Mỗi ngày, khi ta rời khỏi nhà, một trong những việc làm đầu tiên là chộp lấy cái bóp, xâu chìa khóa bỏ vào túi. Việc này lặp đi lặp lại suốt quãng đời ta, nên chúng đã trở thành một hành vi tự động, một phản xạ vô thức. Khi chiếc máy bay dân dụng Emirates 521 bị cháy và phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay quốc tế Dubai năm rồi, khoang hành khách ngập đầy khói. Vậy mà rất nhiều hành khách vẫn ở lại cố tìm hành lý xách tay để ở ngăn chứa trên đầu chỗ ngồi. Khi chiếc máy bay Emirates 521 bị cháy phải hạ cánh khẩn cấp ở Dubai năm rồi, nhiều hành khách vẫn cứ nấn ná ở lại lục tìm hành lý. Đã có nhiều trường hợp tương tự như vụ chuyến bay Asiana Airlines 214 gặp tai nạn ở sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ) hồi tháng 7-2013 và chuyến bay British Airways 2276 bị cháy khi đang cất cánh ở sân bay quốc tế Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 9-2015. Trong sinh hoạt hàng ngày, bộ não chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào sự quen thuộc. Trong điều kiện bình thường, chúng ta tự động lấy hành lý khi máy bay đã hạ cánh nhằm để giải phóng tâm trí rảnh rang mà tập trung vào những công việc sắp tới. Trong tình huống khẩn cấp, não không kịp thích ứng và xử lý những thông tin mới dồn dập kéo đến. Do đó, trạng thái tâm lý của chúng ta có khuynh hướng cho là mọi việc vẫn cứ bình thường, nên hành khách vẫn cứ tà tà tìm hành lý, chẳng có gì mà vội. 5. Chối bỏ thực tế Khi sóng thần ập vào bãi biển Pukhet, Thái Lan, vẫn còn rất nhiều người không chịu sơ tán lên chỗ cao Vì điều này mà rất nhiều người ở các bãi biển ở Thái Lan, Indonesia đã thiệt mạng vì bất chấp cảnh báo sóng thần chạy ra bờ biển để xem cảnh sóng thần tràn vào bờ trong thảm họa động đất-sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Điều này là do 2 lý do: Một, là họ không nhận thức được tình huống đó là rất nguy hiểm bởi vì họ không chịu tin vào thực tế. Hai, điều thường thấy khi xảy ra hỏa hoạn lớn như cháy rừng, họ không muốn từ bỏ một nơi quen thuộc, ví dụ như ngôi nhà của họ, và việc phải rời đi có nghĩa là chấp nhận sự thật là nó sẽ bị thiêu rụi. Do đó, họ cứ chần chừ không chịu sơ tán, trong đầu vẫn suy nghĩ mọi việc rồi sẽ ổn, cho đến khi quá muộn vì họ không hình dung được sự di chuyển cực nhanh và tàn phá khủng khiếp của một đám cháy rừng. Khi tòa Tháp Đôi ở New York bốc cháy vì bị không tặc đâm máy bay vào, những người ở các tầng trên chỗ cháy vẫn chần chừ hơn 5 phút mới chịu sơ tán. Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện rằng phần lớn chúng ta rất tệ khi tính toán ước lượng những nguy cơ. Khi nguy hiểm xảy đến, não chúng ta phân tích tình huống dựa trên cảm tính hơn là trên cơ sở thực tế, tránh né những yếu tố gây căng thẳng và tự trấn an mình rằng mọi việc không quá tồi tệ. Điều này giải thích tại sao nhiều người biết mình đang mang bệnh nhưng cứ chần chừ đợi đến ba, bốn tháng sau mới chịu đi khám bác sĩ khi bệnh tình đã trở nên trầm trọng. Cũng vì thế, trong vụ khủng bố Al-Qaeda lao máy bay vào tòa tháp đôi hồi tháng 9-2001, khi có báo động cháy, những người ở các tầng trên cứ chần chừ đợi đến hơn 5 phút mới chịu sơ tán xuống tầng dưới. Vậy, chúng ta phải làm thế nào? Có lẽ bạn đang tự hỏi nếu không thể trông cậy vào bản năng sinh tồn tự nhiên của mình, chúng ta phải phản ứng ra sao? Các chuyên gia về cứu hộ và xử lý tình huống khẩn cấp khuyên rằng, để đối phó với với một thảm họa thiên nhiên như bão tố, sóng thần, lũ lụt hay những tai nạn khác như cháy nhà, đâm xe.. bạn phải chuẩn bị sẵn trong đầu một kịch bản ứng phó từ trước đó. Đồng thời, bạn phải thường xuyên tập luyện những thao tác đúng đắn tự cứu bản thân thay thế cho những hành động bản năng gây nguy hại. Bạn phải luôn tập luyện cho đến khi nó thuần thục đến mức trở thành một phản xạ tự nhiên. Làm được thế, khả năng sống sót của bạn là rất cao và bạn có thể cứu mạng được những người thân so với việc "đợi nước đến chân mới nhảy". Và bạn hãy luôn nhớ rằng, sự tồn vong tùy thuộc vào phản ứng và hành động đúng đắn của bạn chứ không phải là những hành động anh hùng kiểu như trong phim ảnh hay dựa vào bản năng vô thức rất sai lầm của mình. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV