"Những người có sức ảnh hưởng, có tiếng nói và nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLs) hiểu điều mà người khác muốn. Họ thậm chí còn biết những thứ mà mọi người muốn mua. Tất cả những gì các KOLs cần làm là tạo ra sản phẩm. Ở Trung Quốc, việc sản xuất hàng hóa sản phẩm có thể thực hiện dễ dàng", ông Elijah Whaley, Giám đốc Marketing của Parklu với giải pháp kết nối nhãn hàng và KOLs ở Trung Quốc cho biết. Những người nổi tiếng trên mạng xã hội, ngày càng được biết nhiều hơn với thuật ngữ KOLs, là những cá nhân vốn rất nhanh nhạy với sự phát triển và bùng nổ của mạng xã hội. Không giống như những người nổi tiếng kiểu truyền thống, thường là diễn viên, nhạc sĩ hay vận động viên, các KOLs hiện nay có số lượng người theo dõi khủng từ việc tạo ra nội dung trực tuyến như tranh ảnh, nội dung ẩm thực, làm đẹp, video hoặc game… Nghệ sĩ trang điểm Maggie Fu, đồng sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Melilim Fu với bạn trai Whaley. Ảnh: TechinAsia Ở Trung Quốc, trong một vài năm trở lại đây, mạng lưới KOLs đã tăng lên một cách chóng mặt. Năm ngoái, nữ diễn viên hài trực tuyến Papi Jiang đã trở thành chủ đề bàn luận chính của báo chí và mạng xã hội khi nhận được khoản tiền đầu tư lên tới một triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Các KOLs khác như gương mặt thời trang đình đám hay các blogger làm đẹp có thể kiếm nhiều tiền dựa trên lượng người theo dõi của mình bằng cách thu phí quảng cáo từ các thương hiệu hoặc nhận tiền thưởng, quà tặng từ fan trên nền tảng live streaming. Họ cũng bắt đầu tự khởi nghiệp các dòng sản phẩm riêng, ra mắt các cửa hàng trực tuyến. Ví dụ, Whaley và bạn gái Maggie Fu đang kinh doanh thương hiệu mỹ phẩm riêng với tên Melilim Fu. “Bạn gái tôi đảm trách tất cả phần sản xuất của sản phẩm. Ở Trung Quốc thì việc này rất dễ dàng. Chúng tôi đã có các cửa hàng trực tuyến trên Taobao. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tạo ra các sản phẩm mẫu”, Whaley cho biết. Nhìn chung, những nền tảng mạng xã hội, người dùng, cơ sở vật chất khổng lồ của Trung Quốc giúp cho lực lượng bloggers, làm video, tạo nội dung trực tuyến rất dễ dàng phát triển và kiếm được tiền từ đó. Một số lượng không nhỏ những ngôi sao mạng xã hội ra đời như “Chonny", một KOL trong mảng chăm sóc da và mỹ phẩm làm đẹp với hơn 2 triệu người theo dõi trên Weibo đã khai trương những cửa hàng trực tuyến riêng trên Taobao. “Instagram là ảnh, Youtube là video, Facebook tạo nội dung online. Tuy vậy, cả 3 nền tảng trên đều không tích hợp các phương thức thanh toán hay thương mại”, Whaley giải thích. Ngược lại, Weibo thì kết hợp đầy đủ cả các nền tảng mạng xã hội, live streaming, các nhóm chat và thương mại điện tử. Ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, WeChat có khoảng 963 triệu tài khoản sử dụng thường xuyên cũng tích hợp phần thanh toán, nội dung và mạng xã hội. Tuy vậy, việc biến những người hâm mộ thành khách mua hàng không dễ, đặc biệt là giữ chân những người cũ, thu hút thêm người mới bằng các nội dung chất lượng. “Bạn luôn phải là người đi đầu các xu hướng. Ở Trung Quốc, ngay có khi tháng sau, tất cả các nền tảng bạn đang sử dụng đều sẽ lỗi thời”, Brian O’Shea, chàng trai Argentina chuyên tạo các video ẩm thực nhiều kỳ cho biết. Alibaba đang yêu cầu các KOLs mở các cửa hàng trực tuyến trên Taobao để tăng doanh số bán hàng. Đổi lại, các KOLs sẽ thu hút thêm được nhiều traffic. Ngày càng nhiều các công ty nổi lên, đóng vai trò như một “vườn ươm” cho các KOL với mục tiêu rõ ràng là giúp đỡ những người nổi tiếng trên mạng xã hội bán sản phẩm thương hiệu riêng của mình. Ví dụ như ông lớn Alibaba ủng hộ Ruhan, giúp những ngôi sao mạng xã hội quảng cáo, sản xuất quần áo, mở các cửa hàng trên Taobao… Trên thực tế, trong cả năm qua, Ruhan và mạng lưới blogger của mình tích cực chuẩn bị cho Ngày Độc thân, ngày lễ mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc vào tháng 11. Lợi nhuận từ các cửa hàng trực tuyến của KOLs được phân chia giữa “vườn ươm”. Danh sách KOLs của Ruhan còn có cả Zhang Dayi, một blogger thời trang sở hữu cửa hàng trực tuyến kiếm được tới 46 triệu USD vào năm 2016. Taobao biết rằng nếu việc có được các ngôi sao trên phương tiện truyền thông xã hội cũng đồng nghĩa với nguồn doanh thu khổng lồ. Bản thân Taobao cũng rất tích cực trong việc tự tiếp cận các KOL và lôi kéo họ mở cửa hàng trực tuyến trên trang web. Alibaba đang kêu gọi rất nhiều KOLs mở cửa hàng trên Taobao, đổi lại là họ sẽ được tăng lượng truy cập. “Thẳng thắn mà nói thì đa số KOLs không dễ gì mà kiếm được hàng triệu USD chỉ từ các sản phẩm riêng của họ. Tuy vậy, tất cả cũng chẳng phải vất vả mưu sinh từng đồng”, Whaley cho biết. Thực tế, “mức độ cuồng” của người hâm mộ còn quan trọng hơn số lượng fan. Bao nhiêu trong số đó là sẵn sàng “mua hàng, chia sẻ, ấn like và bình luận bất cứ thứ gì bạn viết”. Nếu mỗi một KOLs có thể có 1.000 fan cuồng mà mỗi người chi đều đặn 100 USD để mua sản phẩm của thần tượng thì lúc đó mới tính là một KOL có thể kiếm sống từ mạng xã hội. Lợi ích kinh tế cho KOLs trong quy mô đó thì chẳng đáng là bao nhưng lại khá quan trọng ở các khía cạnh khác như ảnh hưởng lối sống. O’Shea cho biết một vài fan cuồng còn sẵn sàng chu cấp chi phí sinh hoạt cho thần tượng. “Một người bạn cuả tôi được người hâm mộ trả cho tiền thuê nhà. Anh ta gửi cho cô gái đó hợp đồng thuê nhà, theo đó, cô ấy cứ vậy mà trả tiền”, O’ Shea chia sẻ với TechinAsia trong một sự kiện về WeChat được tổ chức ở Thượng Hải tần trước. Tất nhiên, việc các thương hiệu của KOLs có cạnh tranh được với các nhãn hiệu truyền thống như L’Oreal hay Adidas hay không thì lại là một câu chuyện khác. Thông qua mạng truyền thông xã hội, những người gây ảnh hưởng tương tác trực tiếp với lượng người theo dõi hàng ngày và ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với thị hiếu và xu hướng của số đông. Tuy vậy, các sản phẩm này chưa chắc có được tuổi thọ, vị thế và chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng như các tên tuổi cũ. “Đương nhiên rủi ro cho việc kinh doanh này là rất cao. Giá trị cốt lõi cho dòng sản phẩm Melilim Fu của tôi và bạn gái sẽ là gì nếu chúng tôi chia tay. Tôi không thể hình dung nổi nhưng biết chắc chắn rằng đó sẽ là một vấn đề lớn”, Whaley thừa nhận. Phương Nguyên(TechinAsia) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress