Theo NewAtlas, sự ra mắt gần đây của iPhone X và công nghệ mở khóa khuôn mặt đã đẩy vấn đề an toàn sinh trắc học trở lại bàn thảo luận của nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Các loại mật khẩu cũ trên điện thoại đang nhanh chóng bị thay thế bởi công nghệ mới gắn liền với cơ thể người sử dụng như dấu vân tay, võng mạc, hay thậm chí là chi tiết khuôn mặt. Nhận dạng khuôn mặt có thể chưa phải là hệ thống bảo mật cuối cùng trên smartphone. Trên thực tế, một số ý tưởng về bảo mật sinh trắc học khác cũng đã được đề cập tới như hệ thống nhận dạng mùi cơ thể, tính năng quét tĩnh mạch hay thậm chí là cả "vân não". Có thể nói, cơ thể con người có rất nhiều dấu hiệu riêng biệt để phân biệt giữa mọi người với nhau, có thể được khai thác dưới dạng mật mã cá nhân. Vào năm 2014, một công ty có tên Nymi đã phát triển một hệ thống sinh trắc học dựa trên tín hiệu điện tâm đồ của người sử dụng thông qua một loại vòng tay. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Buffalo đã tiến một bước xa hơn trong việc phát triển một hệ thống radar sử dụng hiệu ứng Doppler trong vật lý để xác định hình dạng và kích thước trái tim của một người. Wenyao Xu, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Không thể tìm thấy hai người có trái tim giống hệt nhau". Ông cũng nói thêm rằng trái tim của người bình thường không bao giờ thay đổi hình dạng trừ khi họ bị bệnh tim nghiêm trọng. Hệ thống này mất 8 giây để ghi lại kích thước hình học và nhịp đập trái tim của một người, sau đó có thể giám sát liên tục sự hiện diện của người đó mà không cần bất kỳ sự liên hệ cơ thể nào định kỳ. Khả năng của hệ thống cho phép tái xác thực người dùng khiến nó an toàn hơn so với các phương pháp bảo mật thông thường vốn chỉ đòi hỏi một lần đăng nhập duy nhất. Bởi việc chứng thực người dùng liên tục sẽ rất khó khiến thiết bị bị bẻ khóa. Nhóm nghiên cứu cho biết radar này sử dụng rất ít điện năng và không gây nguy hiểm cho sức khoẻ vì nó có cường độ tín hiệu thấp hơn nhiều so với cả mạng Wi-Fi thông thường. "Chúng ta đang sống trong môi trường mạng Wi-Fi tràn ngập xung quanh mỗi ngày và hệ thống mới này an toàn hơn cả", ông Xu nói. "Tác động của nó vào khoảng 5 milliwatt, thậm chí nhỏ hơn một phần trăm của bức xạ từ điện thoại thông minh". Qua nghiên cứu thí điểm với 78 người, hệ thống kiểm tra trái tim này đạt được tỷ lệ chính xác cân bằng là 98,61%, với tỷ lệ lỗi bằng nhau là 4,42%. Nhóm nghiên cứu nói rằng, sự phát triển của công nghệ sẽ liên quan đến việc thu nhỏ hệ thống để cho phép nó được cài đặt vào bàn phím máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hệ thống hiện tại cũng cho phép giám sát một cá thể lên đến khoảng cách 30 mét. Các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng nó có thể sử dụng trong một số khu vực xác định như sân bay. Nghiên cứu này sẽ được trình bày vào tháng tới tại MobiCom, một hội nghị về điện toán di động diễn ra ở Utah, Mỹ. Mai Anh Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ