Bé Nguyễn Gia Lâm 11 tuổi đang điều trị tại khu B, phòng 10, Viện Tim TP HCM. Chị Nguyễn Thị Mãnh, mẹ của bé cho biết Lâm bị bệnh tim bẩm sinh, hai tuổi phải phẫu thuật. Không may em bị biến chứng sau ca mổ khiến mạch máu bị tắc nghẽn và hoại tử, bác sĩ buộc phải cắt bỏ tay chân bé để cứu mạng sống. Cậu bé có gương mặt điển trai, lanh lợi, tính tình ngoan ngoãn, được các y tá quý mến đặt cho biệt danh là "chim cánh cụt". Gần chục năm qua, Lâm chỉ "đi" bằng đầu gối, viết chữ bằng hai mỏm cụt hai bên tay chắp lại. Mọi hoạt động bình thường trở nên vô cùng khó khăn nhưng em vẫn sống lạc quan và ham học. Sở thích giản dị hàng ngày của cậu bé là vui đùa với người anh trai song sinh. Lâm viết chữ bằng mỏm cụt ở hai tay chắp lại. Ảnh: Cao Khẩm. Gia đình chị Mãnh có ba đứa con: Một gái, hai trai. Con gái đầu lòng đang học lớp 11 ở quê Tây Ninh, còn hai con trai song sinh là Gia Hưng và Gia Lâm từ nhỏ theo cha mẹ xuống TP HCM lập nghiệp. Không bao lâu sau, sức khỏe Lâm ngày càng giảm sút, gia đình đưa con đi khám thì phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh phải mổ. "Cứ tưởng mổ xong, con sẽ bình thường trở lại như bao đứa trẻ khác, nào ngờ bị biến chứng sau mổ đến mất cả tay chân", người mẹ nghẹn ngào nhớ lại. Hai vợ chồng suy sụp đứng không vững khi bác sĩ yêu cầu ký vào tờ giấy đồng ý phẫu thuật cắt bỏ tứ chi của con. Khi ấy cậu bé chưa đầy hai tuổi. Gia Lâm vui đùa cùng anh trai song sinh. Ảnh: Cao Khẩm. Bé Lâm không thể tự đi lại hay làm bất kỳ việc gì. Em chỉ có thể ngồi một chỗ lê lết, trườn bò khắp phòng bệnh bằng đôi chân cụt ngủn, đôi tay không thể cầm nắm. "Vợ chồng tôi lo không biết tương lai của con sẽ đi về đâu, mai sau con có thể làm gì”, người mẹ 40 tuổi thở dài. Đến giờ, Gia Lâm quen dần với đôi chân không trọn vẹn của mình. Cậu bé luôn cố gắng tự làm được tất cả mọi việc trong khả năng của mình như cầm muỗng ăn cơm, uống nước, viết chữ, đi đứng, vui chơi. Hàng ngày, chị Mãn tập cho con tự đi đứng, sinh hoạt, chỉ khi mặc quần áo hay vệ sinh mới cần nhờ sự trợ giúp của mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ đọc sách về nghị lực sống cho con nghe, kể những tấm gương "tàn nhưng không phế" và trò chuyện cùng con để động viên cậu bé vượt qua nghịch cảnh. Suốt gần chục năm qua, ba mẹ con chị Mãnh nối tiếp lấy bệnh viện làm nhà. Ban giám đốc viện cũng tạo điều kiện cho mẹ con chị ở lại đây và điều trị hoàn toàn miễn phí. Hai đứa bé còn được đi học, chị Mãnh cũng tranh thủ buôn bán nước giải khát để có thêm thu nhập chi trả sinh hoạt hằng ngày. Người mẹ luôn ở bên và động viên con vượt lên nghịch cảnh. Ảnh: Cao Khẩm. Người mẹ nhìn qua khung cửa sổ quan sát bé Gia Lâm vui đùa cùng anh trai, hai đứa trẻ quấn quýt không rời nhau nửa bước. Chị Mãnh trầm tư nhớ lại đêm qua Lâm ôm chầm lấy mẹ và thỏ thẻ: "Bao giờ tay chân của con mới mọc lại hả mẹ? Lúc đó con sẽ tự đi học để mẹ không phải vất vả nữa". Câu hỏi ngây thơ của đứa trẻ như xát muối vào lòng người mẹ. Nhiều khi chị định thú thật với con rằng chân tay mất đi rồi sẽ chẳng bao giờ mọc lại được, nhưng nghĩ lại sợ con tuyệt vọng nên đành im lặng. Bác sĩ điều trị cho biết đã làm chân giả cho Lâm đi lại dễ dàng hơn. Nhưng qua thời gian dài, mỏm xương cụt ở chân bắt đầu phát triển khiến Gia Lâm không thể mang chân giả được vì bị thốn. Bác sĩ dự định sẽ tiếp tục phẫu thuật cắt bỏ mỏm xương cụt mới mọc ra để Lâm dùng chân giả dễ dàng hơn. Đang trò chuyện với mẹ và anh, Gia Lâm tự leo xuống giường thủng thẳng tiến đến bên chiếc cặp, dùng đôi tay cụt ngủn kẹp cuốn sách đặt lên chiếc ghế nhựa nhỏ, lật từng trang một để xem bài. Thấy em học bài, anh Gia Hưng bảo: “Bài nào khó không hiểu thì hỏi anh chỉ cho nha”. Cậu em tật nguyền ngước mắt lên nhìn anh, gật đầu trả lời "Dạ" rồi lại tiếp tục cúi xuống nắn nót viết từng chữ. Chia sẻ về ước mơ sau này lớn lên làm gì, Gia Lâm cười mỉm chi nói: “Em không biết. Em chỉ mong bác sĩ đừng cắt tay chân em nữa, đau lắm”. Cao Khẩm Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress