Sáng 16/9, hai người được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, khó thở do ngạt khí CO. Người chị 21 tuổi, em 20 tuổi trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Theo người nhà, sau bão cả vùng mất điện nên người nhà nổ máy nổ để thắp sáng và quạt mát từ khoảng 21h ngày 15/9 đến 1h ngày 16/9 thì tắt máy. Khoảng 7h không thấy hai cháu dậy nên cả nhà lên phòng tìm thấy cả hai đã hôn mê nên đưa đi cấp cứu. Hai bệnh nhân đang được điều trị và chăm sóc đặc biệt với chẩn đoán ngộ độc khí CO. Các bác sĩ cho biết, tiếp xúc với quá nhiều khí CO (carbon monoxide) có thể gây nên hiện tượng ngộ độc khí. Carbon monoxide là một nguyên nhân ngộ độc tử vong hàng đầu từ các chất độc không chủ ý. Hít phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh, có thể gây tử vong. Nồng độ chỉ khoảng 0,1% carbon monoxide trong không khí cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguy hiểm hơn, CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng nên khó cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí. CO có tính liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu mạnh gấp 230-270 lần so với ôxy nên khi được hít vào phổi, CO sẽ gắn chặt với Hb thành HbCO. Vì vậy máu không thể chuyên chở ôxy đến tế bào. CO còn gây tổn thương tim do gắn kết với myoglobin của cơ tim. Triệu chứng ngộ độc CO thường bắt đầu bằng cảm giác bần thần, nhức đầu, buồn nôn, khó thở rồi từ từ đi vào hôn mê. Nếu ngộ độc CO xảy ra khi đang ngủ say hoặc uống rượu say thì người bị ngộ độc sẽ hôn mê từ từ, ngưng thở và tử vong. Rất nhiều trường hợp đã bỏ mạng khi nằm ngủ trong ôtô bật máy lạnh đậu trong nhà kín, đốt lò than sưởi trong nhà... Vị vậy khi sử dụng máy nổ để thắp sáng người dân nên chú ý để máy xa nơi sinh hoạt và phòng ngủ phải mở cửa thông thoáng tránh tai nạn ngạt khí. Long Nhật Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress