Thảm kịch "Titanic trên không" chấm dứt thời đại khinh khí cầu

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Sep 16, 2017.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 228)

    Khinh khí cầu Hindenburg, niềm tự hào của nước Đức, bất ngờ cháy rụi trong chuyến bay định mệnh năm 1937.

    Ngày 6/5/1937, khinh khí cầu Hindenburg - niềm tự hào của nước Đức - phát nổ khiến một vùng rộng lớn thuộc Lakehurst, New Jersey, Mỹ chìm trong khói lửa. Toàn bộ chiếc khinh khí cầu dài hàng trăm mét cháy thành tro chỉ trong chưa đầy một phút. Một số nhân viên và hành khách nhảy từ độ cao hơn 10 m xuống và may mắn thoát chết. Những người còn lại bị thiêu cháy.


    Niềm tự hào Hindenburg trở thành thảm kịch khinh khí cầu kinh hoàng. (Video: YouTube).

    Thời điểm đó, Hindenburg được kỳ vọng là bước ngoặt mở ra kỷ nguyên mới của khinh khí cầu. Nhưng trái lại, vụ nổ đã đặt dấu chấm hết cho loại phương tiện này và mở đường cho máy bay phát triển.

    Thảm kịch Hindenburg là trường hợp tai nạn kỹ thuật đầu tiên được ghi hình. Hàng loạt sách và phim ảnh ra đời để phân tích nguyên nhân vụ nổ. "Nó giống như thảm kịch tàu Titanic vậy", Dan Grossman, nhà sử học hàng không tại Airships.net nhận xét.

    "Titanic trên không" xa xỉ


    Sĩ quan quân đội Đức Ferdinand von Zeppelin là người đầu tiên phát triển loại khinh khí cầu có kết cấu khung cứng cuối những năm 1800.

    Hindenburg cũng có kết cấu này và là khinh khí cầu thương mại lớn nhất, tân tiến nhất thời đó. Nó dài 245m, đường kính 41,2m, lớn gấp hơn ba lần máy bay Boeing 747 và có thể đạt vận tốc tối đa 135km/h, theo Airships.net.

    [​IMG]
    Phòng ăn sang trọng trên Hindenburg. (Ảnh: Airships).

    Hindenburg có sức chứa 72 hành khách với phòng ăn, phòng nghỉ, phòng viết, quầy bar, phòng hút thuốc và lối đi dạo với cửa sổ mở được trong khi bay. Nó được đặt tên theo cựu tổng thống Cộng hòa Weimar (nền cộng hòa đầu tiên của nước Đức), Paul von Hindenburg (1847-1934).

    Hindenburg cất cánh lần đầu vào tháng 3/1936 và thực hiện tổng cộng 63 chuyến bay, chủ yếu từ Đức đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Grossman cho biết.

    Công nghệ và quá trình chế tạo


    Những khinh khí cầu như Hindenburg bay nhờ sức nâng của heli, hydro hoặc không khí nóng. Hindenburg có kết cấu khung cứng với những thanh xà dọc và tròn làm bằng duralumin, một hợp chất của nhôm. Nó cũng rộng hơn các khinh khí cầu khác nên hoạt động ổn định và chắc chắn hơn.

    Hindenburg có 4 động cơ vận hành. 16 khoang khí làm từ cotton keo hóa giúp khí cầu lơ lửng trên cao. Những khoang khí này được thiết kế để chứa heli, loại khí an toàn hơn hydro vì không bắt lửa. Nhưng người Đức đã không thể sử dụng heli vì nó quá đắt, cần nhiều thợ điều khiển hơn và làm giảm sức chở hành khách.

    Quan trọng nhất là vào thời điểm đó, chỉ có Mỹ và Liên Xô sản xuất được heli, Grossman cho biết. "Không ai mua bán với Liên Xô cả, còn Mỹ thì ban hành luật cấm xuất khẩu heli vì sản xuất heli quá khó. Đến năm 1936, Mỹ sản xuất được nhiều heli hơn và có thể sẽ bán cho Đức, nhưng người Đức đã không hỏi mua".

    Niềm kiêu hãnh, tình trạng suy thoái kinh tế của Đức và lợi nhuận thấp nếu chế tạo khinh khí cầu heli là những lý do khiến người Đức không sử dụng heli cho Hindenburg.

    Thảm kịch khinh khí cầu kinh hoàng nhất lịch sử



    Cảnh tượng Hindenburg cháy rụi chỉ trong vài giây. (Video: YouTube).

    Chuyến bay định mệnh diễn ra vào ngày 3/5/1937. Hôm đó, khinh khí cầu Hindenburg khởi hành từ Frankfurt, Đức. Chuyến bay khá suôn sẻ dù gió lớn ngược chiều khiến thời gian hạ cánh chậm hơn dự kiến 12 tiếng.

    Thời tiết ở New Jersey hôm đó rất xấu, trời giông bão và sấm chớp cả ngày. Cơ trưởng Max Pruss cùng các chuyên viên cấp cao yêu cầu tiếp tục hoãn hạ cánh và bay vòng quanh bãi biển đến khi thời tiết chuyển biến tốt.

    Hindenburg đến Lakehurst vào khoảng 19h ngày 6/5. Cho rằng thời tiết sẽ ngày càng tệ hơn, đội bay quyết định ngoặt gấp và tiến hành hạ cánh. Vài phút sau khi những sợi dây neo được thả xuống, các nhân viên thấy dưới lớp vải bọc gần phía đuôi khinh khí cầu rung động giống sóng, có thể do hydro rò rỉ ra ngoài, theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh.

    19h25, lửa xuất hiện ở phía đuôi của Hindenburg. Chỉ trong vài giây, toàn bộ phần đuôi bốc cháy và chúc xuống đất, phần đầu cũng nhanh chóng bắt lửa, theo Don Adams, nhà sử học tại Hiệp hội Lịch sử Hải quân Lakehurst. Lớp vải bên ngoài bị thiêu rụi khiến phần khung duralumin lộ ra và đổ sụp ngay sau đó.

    "Tất cả cháy rụi chỉ trong 34 giây", Don Adams cho biết. Những người ở phía ngoài, phần lớn là hành khách ngắm cảnh qua cửa sổ, may mắn nhảy ra kịp và thoát chết. Rất nhiều nhân viên của đội bay đã bỏ mạng. Trong tổng số 97 người trên khinh khí cầu, có 35 người chết.

    Nguyên nhân gây ra vụ cháy


    [​IMG]
    Nguyên nhân khiến Hindenburg bốc cháy vẫn còn là điều bí ẩn. (Ảnh: History).

    Các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân chính là hydro rò rỉ ra ngoài, kết hợp với oxy tạo thành hợp chất cực dễ bắt lửa và gây hỏa hoạn lớn.

    Có ý kiến cho rằng Hindenburg bị trúng bom, tên, hoặc cháy do một chất khác hydro. Nhưng tất cả đều không có chứng cứ xác thực. Số khác lại nghĩ lớp vải bọc ngoài dễ bắt lửa, nhưng Grossman bác bỏ giả thuyết này. Ông cho biết, các khinh khí cầu, trong đó có Hindenburg, nhiều lần bị sét đánh trúng nhưng không hề gây cháy vì hydro không thoát ra.

    Điều các chuyên gia băn khoăn chính là nguyên nhân gây rò rỉ hydro và cách ngọn lửa bùng phát. Nhiều ý kiến cho rằng việc bẻ lái đột ngột khiến một sợi dây kim loại đứt và cứa vào khoang khí. Tuy nhiên, người ta đã chứng minh giả thuyết này không chính xác, Grossman cho biết. "Vì tất cả bằng chứng đều đã cháy rụi nên có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết tại sao hydro lại rò rỉ".

    Theo các nhà khoa học, có hai giả thuyết chính khiến ngọn lửa bùng phát: hiện tượng phóng tĩnh điện và Lửa thánh Elmo. Lửa thánh Elmo hay sự phóng điện hình chổi, là hiện tượng thời tiết xảy ra khi không khí tích điện một cách bất thường. Hiện tượng phóng tĩnh điện là dòng điện phát ra đột ngột khi hai vật thể có điện thế khác nhau tiếp xúc vật lý.

    Adams và Grossman nghiêng về giả thuyết phóng tĩnh điện hơn. Trong cả hai giả thuyết, lượng điện lớn do bão kèm theo sấm chớp hôm đó gây ra đóng vai trò quan trọng.

    "Khi Hindenburg hạ cánh, trời vẫn còn nhiều sấm chớp", Grossman nhận định. "Trong không khí có nhiều điện đến nỗi các nhà máy cao su gần đó phải đóng cửa, vì bụi cao su rất dễ phát nổ". Khinh khí cầu bay trong không khí mang điện tích dương. Khi các dây neo được thả xuống và chạm đất, chúng nhận điện tích âm. Đây có thể là nguyên nhân tạo ra tia lửa điện.

    Max Pruss và Ernst Lehmann, chỉ huy cấp cao trên Hindenburg, bị chỉ trích vì cố tình hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. Họ nên đợi đến khi lượng điện trong không khí tiêu tán bớt, Grossman nhận xét. Tuy nhiên, Đức Quốc xã gây áp lực buộc họ phải giữ đúng lịch trình và hạ cánh sớm.

    Dấu chấm hết cho thời đại khinh khí cầu


    [​IMG]
    Những chiếc máy bay ra đời dần thay thế khinh khí cầu. (Ảnh: Vanderbilt Cup Races).

    Thảm kịch Hindenburg đã đặt dấu chấm hết cho thời đại khinh khí cầu. "Chẳng ai muốn bay trong những khinh khí cầu chứa đầy hydro cả, họ quá sợ hãi. Ngoài ra, khi Hitler trở nên quyền lực hơn thì mọi người không muốn sử dụng khinh khí cầu của Đức Quốc xã nữa", Adams cho biết.

    Những tiến bộ công nghệ cũng góp phần khiến khinh khí cầu trở thành dĩ vãng. "Hindenburg là một thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc vào năm 1928. Nhưng đến năm 1936, nó trở nên lạc hậu trước sự ra đời của máy bay", Grossman nhận định.

    Khi Hindenburg bắt đầu hoạt động, những chiếc máy bay có thể bay nhanh hơn, chở nhiều hơn, ít tốn kém hơn, cần ít nhân viên vận hành hơn đã xuất hiện. Những chiếc máy bay vượt trội mọi mặt này đã chính thức kết thúc kỷ nguyên khinh khí cầu.

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Thảm kịch "Titanic trên không" chấm dứt thời đại khinh khí cầu

Share This Page