Những bãi biển ngập cát trắng, những sa mạc nóng bỏng ngày càng có xu hướng mở rộng - rõ ràng đây là những hình ảnh cho thấy cát là một nguồn tài nguyên vô tận. Nhưng hóa ra không phải thế! Theo như một báo cáo mới công bố trên tạp chí Science, lượng cát trên toàn thế giới đang sụt giảm một cách nghiêm trọng, và điều này đang ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, gây nguy hiểm cho cộng đồng, thậm chí tạo ra xung đột bạo lực. Và lý do thì rất quen thuộc: con người, mà cụ thể hơn là hành động khai thác cát quá mức. Con người đang khai thác cát quá mức. Trong nhiều năm, khoa học đã cố gắng cải thiện chất lượng các công trình xây dựng, sao cho hiệu quả và lâu bền nhất. Tuy nhiên, quá trình khai thác nguyên liệu phục vụ cho xây dựng lại không được để tâm đúng mực. Theo các chuyên gia đánh giá, nhu cầu sử dụng cát tăng vọt qua thời gian, cộng thêm việc khai thác không kiểm soát nhằm đáp ứng nhu cầu ấy chính là công thức hoàn hảo gây nên khủng hoảng cát. Nhu cầu dùng cát liên tục tăng vọt, khai thác không thể kiểm soát Cát và sỏi hiện là 2 trong số các khoáng sản được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Đặc biệt là cát, khi đây là nguyên liệu chính trong xi măng, bê tông, là thành phần tạo ra thủy tinh và đồ điện tử. Năm 2010, tổng cộng có khoảng 11 tỉ tấn cát được khai thác chỉ nhằm mục đích xây dựng trên toàn cầu. Trong đó, tỉ lệ cao nhất thuộc về các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, kế đến là châu Âu và Bắc Mỹ. Một con tàu phun cát và nước lên để bồi đắp bãi biển. Chưa kể theo như một số tổ chức phi chính phủ, những con số này chưa chắc đã là thực, khi nhiều quốc gia còn giấu đi lượng cát khai thác không qua mục đích xây dựng - như khai thác đá phiến hoặc bồi đắp bãi biển. Trước kia, cát vốn là khoáng sản "tự thân" của các nước. Nhưng do nhu cầu tăng vọt, việc khai thác cát tại một số quốc gia đã chính thức bị cấm, biến nó thành một mặt hàng xuất khẩu ở quy mô toàn cầu. Và khi lợi nhuận tăng cao, việc khai thác tiếp tục được đẩy mạnh, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khai thác cát quá mức và những tổn hại không thể coi thường Tổn hại dễ nhận thấy nhất là với môi trường, đặc biệt là ở những quốc gia vốn sở hữu tài nguyên cát hùng mạnh. Việc khai thác cát quá mức dễ dàng làm thay đổi hệ sinh thái trên sông và các vùng ven biển, gây xói mòn đất nghiêm trọng. Ngoài ra, nó đẩy các loài vật đến nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cá heo sông, cá sấu, thủy sản nói chung... Hồ Bà Dương tại Trung Quốc và hệ quả khai thác cát sau 18 năm. Lấy ví dụ là trường hợp của gharial (Gavialis gangeticus) - loài cá sấu thường sống trên các con sông của châu Á. Chúng vốn ở danh sách nguy cấp, nhưng tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn, khi hành động khai thác cát từ con người khiến cho môi trường sống của chúng bị thay đổi. Chưa kể, khai thác cát ở biển còn khiến người dân sinh sống xung quanh gặp nguy hiểm. Khi bờ biển bị thu hẹp, con người càng dễ bị tổn thương bởi bão lũ, như trận bão tại Sri Lanka vào năm 2004 là một ví dụ. Khai thác cát ở biển khiến người dân sinh sống xung quanh gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, sức khỏe con người cũng là một yếu tố đáng chú ý. Quá trình khai thác cát vô tình để lại những hố nước đọng, trở thành nơi hoàn hảo để nuôi dưỡng muỗi hoặc lan truyền các loại vi khuẩn nguy hiểm khác. Con người đã làm những gì để ngăn chặn? Bất chấp những tổn hại, việc khai thác cát vẫn đang được thực hiện rất mạnh mẽ, vì đa số chưa thể hình dung ra quy mô gây hại của việc làm ấy. Hiện tại, mới chỉ có một số tổ chức đứng ra tuyên truyền, nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Đã đến lúc, cát phải được đối xử công bằng như các loại khoáng sản có hạn khác. Hy vọng rằng trong tương lai gần, các tổ chức và chính phủ các nước sẽ xây dựng được một chiến lược khai thác cát an toàn và thân thiện hơn với môi trường. Đã đến lúc, cát phải được đối xử công bằng như các loại khoáng sản có hạn khác, nếu không muốn tương lai của Trái đất thêm phần bi kịch. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV