Chụp ảnh căn nhà và đồ đạc Trước thiên tai hay một cơn bão lớn, người dùng nên đi bộ quanh nhà với chiếc smartphone hoặc máy ảnh kỹ thuật số để ghi lại hình ảnh của tất cả những gì mình sở hữu. Không chỉ là các món đồ lớn như TV, tủ lạnh, các góc để đồ đạc, quần áo, đồ nấu nướng... cũng cần ghi lại. Việc này giúp bạn có thể kiểm kê mọi thứ dễ dàng hơn sau khi thiên tai đi qua. Với một số thiết bị giá trị, có thể chụp lại số series và mã sản phẩm để bảo hành sau này trong trường hợp cần thiết. Rút phích cắm mọi đồ điện Ngoài việc rút phích cắm tất cả các thiết bị điện trong nhà, người dùng cũng cần di chuyển các thiết bị cầm tay và đồ điện tử lên vị trí cao hơn mặt đất... TV, loa, máy hút bụi, ngay cả máy phát điện cũng phải nằm cách mặt đất khoảng một mét chẳng hạn như trên bàn hoặc bàn ăn. Nếu nhà có tầng hai, nên di chuyển chúng lên nếu có thể đề phòng tầng dưới bị ngập lụt. Ngoài ra cần ngắt cầu dao và van nước chính trước khi cơn bão tới. Chuẩn bị một túi đồ khẩn cấp Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) khuyến cáo người dân trong nước nên chuẩn bị sẵn một túi hoặc gói đồ khẩn cấp trong trường hợp cần di tản bất ngờ. Trong túi nên để các vật dụng quan trọng như thức ăn, nước uống, thuốc, túi nhựa và đèn pin. Ngoài ra cũng cần một số thiết bị điện tử, trong đó quan trọng nhất là smartphone. Trong trường hợp phải rời nhà nhiều ngày, bạn có thể mang theo máy tính xách tay. Nếu cẩn thận, bạn nên tải sẵn mọt vài bộ phim, trò chơi, file nhạc để giết thời gian khi cần thiết hoặc cho trẻ em chơi những lúc cần giúp chúng bình tĩnh trong sự cố. Nếu có một chiếc đài phát thanh (radio) chạy bằng pin hoặc điện, tốt nhất cũng nên bỏ chúng vào túi. Sạc điện tất cả thiết bị trước khi bão về Khi thiên tai xảy ra, điện thường bị ngắt trong thời gian dài. Mọi người cần sạc đầy các thiết bị điện tử của mình theo thứ tự ưu tiên là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Cần nhớ bỏ tất cả bộ sạc vào túi khi di chuyển, thậm chí mua thêm nếu thấy cần thiết. Nhiều trường hợp các thiết bị điện tử này sẽ là thứ cứu sống bản thân hoặc giúp theo dõi tình hình của người thân mình, hay nhờ giúp đỡ trong thảm họa. Và rõ ràng công cụ sinh tồn này chỉ hoạt động khi pin của nó đã được sạc. Chuẩn bị sẵn một ổ cắm điện Trong cơn khủng hoảng, món đồ gia dụng giá rẻ này có thể cải thiện cuộc sống của rất nhiều người. Khi số lượng ổ điện hạn chế, một ổ sạc có thể cứu sống hàng loạt thiết bị điện tử cho bản thân và những người xung quanh. Thay vì luân phiên cắm và rút các thiết bị khỏi ổ điện, vài món đồ có thể cùng lúc được cấp nguồn. Chỉ sử dụng thiết bị điện tử khi cần thiết Nên tắt 3G, Wi-Fi của điện thoại và sử dụng các phần mềm tiết kiệm năng lượng. Hầu hết các điện thoại đều có chế độ tiết kiệm pin, vô hiệu hoá cập nhật và các thông báo tự động. Người dùng cũng có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm độ sáng màn hình và tắt tính năng để độ sáng tự động. Tắt Wi-Fi nếu đang di chuyển và hạn chế live stream, quay video hoặc thậm chí cả chụp hình. Bao bọc đồ điện tử tránh nước Người dùng nên để sẵn một túi nhựa để giữ các thiết bị điện tử, đồ sạc tránh nước trong khi mưa bão hoặc ngập lụt. Nhiều loại túi có phần kẹp niêm phong để tránh nước xâm nhập và có thể chứa được cả máy tính bảng hay laptop loại nhỏ. Lưu trữ dữ liệu "trên mây" Nếu cẩn thận, người dùng cũng nên lưu trữ các dữ liệu quan trọng của mình lên các kho dữ liệu trên mây (Cloud) để tránh trường hợp mưa, nước sẽ vô tình làm hỏng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ổ cứng... Các dịch vụ lưu trữ trên mạng đôi khi có thể cứu vớt cả sự nghiệp, hoặc các dữ liệu kỷ niệm quý báu của người dùng. OneDrive của Microsoft cung cấp 5GB bộ nhớ miễn phí và 50GB bổ sung với giá 2 USD một tháng. iCloud của Apple cho lưu trữ 5GB miễn phí và lên đến 2TB với mức phí 9.99 USD mỗi tháng. Google Drive mang tới 15 GB bộ nhớ miễn phí và thêm 1TB với mức phí 10 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, việc sao lưu mất nhiều thời gian và cần phải làm sớm trước với các tệp tin quan trọng. Lập các nhóm trên mạng xã hội và lưu trữ danh bạ khẩn cấp Nên có một nhóm (Group) trên mạng xã hội bao gồm người thân trong gia đình hoặc bạn bè, những người quan trọng sống trong khu vực để có thể bàn bạc, trò chuyện hoặc xin trợ giúp trong thiên tai. Các nền tảng có thể sử dụng là Facebook, Twitter hay các ứng dụng nhắn tin nhóm. Điều này sẽ vô cùng hữu ích trong trường hợp bạn phải mượn điện thoại của người khác và không còn các số liên lạc quen thuộc. Ngoài ra, nên lập một danh sách số điện thoại khẩn cấp để có thể kích hoạt ngay khi cần thiết, hoặc hướng dẫn trẻ em hay người khác trong trường hợp không thể tự mình sử dụng điện thoại cá nhân. Đó có thể là số cứu nạn, số điện thoại của những người hàng xóm, họ hàng ở gần... Với một số smartphone, người dùng có thể đặt các địa chỉ liên hệ vào danh bạ khẩn cấp để truy cập trong tình huống điện thoại bị khóa. Mai Anh Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ