Một nhóm chuyên gia thiên văn quốc tế tìm thấy hơi nước trong khí quyển của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Đài thiên văn Keck tại Mỹ thông báo Quinn Konopacky, một nhà thiên văn của Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn Dunlap thuộc Đại học Toronto tại Canada cùng các đồng nghiệp đã dùng kính thiên văn Keck II trên quần đảo Hawaii, Mỹ để quan sát bên ngoài Thái Dương Hệ. Họ phát hiện nước trong khí quyển của một hành tinh có kích cỡ tương đương sao Mộc. HR 8799c, tên của hành tinh, cách trái đất chừng 130 năm ánh sáng. Nó nằm khá xa ngôi sao riêng nên các nhà thiên văn có thể quan sát nó dễ dàng. "Chúng tôi có thể thấy những chi tiết rõ nét của hành tinh đó nhờ những thiết bị cực kỳ tối tân của Đài thiên văn Keck, kỹ thuật quan sát và thu thập dữ liệu mang tính đột phá của chúng tôi, cũng như đặc điểm của hành tinh", Konopacky phát biểu. Hành tinh HR 8799c khá xa ngôi sao riêng nên các nhà thiên văn có thể quan sát nó dễ dàng. (Ảnh: Đài thiên văn Keck) Kính thiên văn Keck II có khả năng phân tích quang phổ từ các vật thể trong vũ trụ để xác định các hóa chất. Dựa vào kết quả phân tích của nó, nhóm của Konopacky nhận thấy bầu không khí của hành tinh đó chứa hơi nước và carbon monoxide. "Với khả năng của kính Keck II, chúng tôi có thể so sánh lượng carbon với lượng oxy trong khí quyển của HR 8799c. Kết quả so sánh sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu quá trình hình thành của nó", Travis Barman, một nhà thiên văn của Đài thiên văn Lowell và cũng là một thành viên trong nhóm nghiên cứu, khẳng định. Nước là hợp chất cần thiết đối với sự sống trên trái đất. Vì thế các nhà khoa học cho rằng, nếu nước tồn tại trên một hành tinh, sự sống có khả năng tồn tại trên hành tinh ấy. Nguồn VNExpress