Ở một góc hành lang bệnh viện, cậu bé béo phị ôm đầu kêu đau, người mẹ gầy gò vội chạy đến bên vỗ về: "Đau chỗ nào để mẹ xem. Mẹ xoa cho con đỡ đau nhé". Đứa trẻ gật đầu "Dạ" rồi nhoẻn miệng cười nhìn mẹ. Trông cậu bé to béo bụ bẫm, nhiều người đi ngang qua khen mẹ khéo chăm con, nhưng chị Nhung thở dài trả lời "do tác dụng phụ của thuốc" trong quá trình hóa trị khiến cơ thể Việt tích nước và phù ra. Mẹ con chị Nhung ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Trần Ngoan. Chị Trương Thị Mỹ Nhung, mẹ của bé Việt cho biết từ nhỏ bé rất khỏe mạnh, cân nặng phát triển bình thường, không có dấu hiệu gì lạ. Năm 2010 Việt vào lớp một đột nhiên phát sốt không rõ nguyên nhân. Hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, khám, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm trùng rồi cho thuốc uống mà không khỏi. Sau đó cơ thể bé bắt đầu nổi hạch ngày càng nhiều, người mẹ đưa con vào TP HCM khám, có nơi chẩn đoán suy dinh dưỡng, nơi cho rằng bị viêm hạch, điều trị mãi không hết. Khi hạch nổi khắp cơ thể kèm theo sốt cao liên tục và xuất hiện các vết bầm rải rác trên da, bé Việt được bác sĩ chỉ định kiểm tra máu nghi ngờ ung thư nên chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Kết quả các xét nghiệm huyết học, bác sĩ Chu Hoàng Minh, Khoa Nội 3, xác định bé bị bệnh bạch cầu, còn gọi là ung thư máu. Nghe bác sĩ thông báo bệnh tình của con, chị Nhung sốc đến ngất xỉu. Tỉnh lại trong bệnh viện, bà mẹ trẻ đôi mắt đỏ hoe cho biết bé Việt là con trai đầu lòng của hai vợ chồng cũng là cháu đích tôn của dòng họ nên mọi kỳ vọng đặt vào con. Nghĩ "còn nước còn tát", cả gia đình lo điều trị cho con. Hai vợ chồng làm thuê lương ba cọc ba đồng giờ phải vay mượn để có đủ tiền cho con truyền hóa chất. Bàn tay bé Việt bị sưng phù và mưng mủ sau nhiều đợt cắm kim truyền hóa chất. Ảnh: Trần Ngoan. Bác sĩ Minh cho biết bé Việt đáp ứng điều trị hóa chất rất tốt. Theo khuyến cáo, ở giai đoạn này bệnh nhân được ghép tủy thì khả năng chữa khỏi hẳn ung thư rất cao. Tuy nhiên chi phí ghép tủy đắt đỏ, lên đến 1-2 tỷ đồng, gia đình không đủ điều kiện tài chính nên không thể áp dụng phương pháp này được. Không may bé lại nhiều khả năng tái phát ung thư sau điều trị. Hiện ung thư đã xâm lấn lên hệ thần kinh trung ương nên không còn chỉ định ghép tủy cho bé. Theo bác sĩ Minh, tình trạng ung thư xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương đã ảnh hưởng đến tri giác, khiến bé Việt lơ mơ và suy giảm trí nhớ do tăng áp lực nội sọ. Hiện tại, các bác sĩ cố gắng làm giảm áp lực nội sọ và truyền thuốc để kiểm soát tế bào ung thư nhằm kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên quá trình điều trị ngắt quãng nhiều lần do men gan của cháu tăng cao, phải hoãn lại để hạ men gan rồi mới tiếp tục vào hóa chất. Suốt ba tháng nay, tuần nào cũng vậy, vợ chồng chị Nhung thay nhau đưa con trai từ Bình Thuận vào TP HCM hóa trị. Bé Việt thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả, song riêng chi phí thuốc đặc trị ung thư lên đến hơn 4 triệu đồng mỗi lần điều trị. Hai vợ chồng phải thuê tiền nóng để chạy chữa cho con. Nhìn đôi tay mũm mĩm của con giờ tím bầm sưng phù và mưng mủ do nhiều lần cắm kim truyền hóa chất, người mẹ xót xa chỉ biết dùng đôi tay của mình để xoa xoa, nắn nắn cho con bớt đau. Chị Nhung bảo niềm an ủi lớn nhất là bé Việt rất ngoan. Đau đớn vậy nhưng em chưa bao giờ khóc mà luôn động viên mẹ. Thỉnh thoảng, cậu bé ngước nhìn mẹ và bảo: "Khi nào khỏi bệnh, con về chăm em cho mẹ nha". Điều vợ chồng chị Nhung lo là trí nhớ của bé Việt ngày càng giảm sút, thường xuyên kêu đau đầu, lơ mơ và giảm khả năng nhận thức, đôi lúc không còn nhận ra người thân. Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress