Người mẹ nén đau do hội chứng ruột kích thích để mang bầu sinh con

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 13, 2017.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 228)

    Niềm vui của người mẹ 29 tuổi ở TP HCM bên cậu con trai kháu khỉnh sẽ trọn vẹn hơn nếu không phải chống chọi với những đau đớn của căn bệnh đường ruột. Sức khỏe vốn bình thường, sau khi sảy thai con đầu lòng cách đây 3 năm, chị buồn bã, lo lắng, xuất hiện các cơn đau bụng dữ dội và tiêu chảy kéo dài. Càng căng thẳng, tình trạng đau càng nghiêm trọng.

    Chị Nhân đi khám, uống thuốc rối loạn tiêu hóa, tình trạng suy nhược cơ thể vẫn không đỡ và sụt cân một cách nhanh chóng. Bác sĩ kết luận hội chứng ruột kích thích, chị tìm hiểu và biết được rất nhiều người cùng chung cảnh ngộ. Không ít người "đòi sống đòi chết" vì quá khổ sở với căn bệnh phiền toái "chữa hoài không khỏi".

    "Tôi đau quặn bụng cả ngày lẫn đêm, ngủ quên thì đỡ đau, đêm nào mất ngủ là sáng càng khủng khiếp hơn nữa", chị Nhân cho biết. Có đợt chị tiêu chảy mỗi ngày trên 10 lần, đầy bụng xì hơi liên tục. Sức khỏe suy kiệt khiến chị phải ngưng hẳn công việc kế toán, chỉ ở nhà dưỡng bệnh.

    Nhận thấy đây là bệnh liên quan tâm lý, càng lo lắng chỉ càng làm nặng thêm nên chị Nhân bắt đầu xác định tâm thế sống chung hòa bình. Nếu có thai sẽ phải ngưng thuốc, chị vẫn chấp nhận nén chịu đau đớn để sớm được làm mẹ. Khi mang bầu trở lại, chị đến gặp bác sĩ và được trấn an rất nhiều nên tâm trạng phấn chấn. Do có tiền sử sảy thai, chị uống thuốc nội tiết và thỉnh thoảng dùng một ít thuốc khi tiêu chảy. Vượt qua những cơn đau suốt 40 tuần thai kỳ, bé trai chào đời khỏe mạnh, đáng yêu và nay đã được một tuổi rưỡi.

    Thời gian đầu khi sinh con, do thức đêm nhiều và ăn uống không điều độ, thỉnh thoảng con đau sốt nên bệnh của chị thêm nặng. Cơn đau từ bụng dưới lan lên ngực ra sau lưng, căng tức bụng, nhiều khi chị phải ôm bụng nhăn nhó liên tục. Hiện vẫn còn cho con bú nên chị dùng nhiều các loại tảo, trà, men vi sinh để cải thiện. Chị thực hiện chế độ ăn nhiều rau, ít hoa quả, hạn chế cá, hải sản, không dùng chất kích thích, cà phê, thức ăn chiên xào dầu mỡ, không uống sữa...

    "Người bệnh này cần suy nghĩ tích cực, lạc quan, tin tưởng bác sĩ, không nên chạy chữa lung tung, tốn tiền vào nhiều loại thuốc rao bán tràn lan trên mạng", chị Nhân chia sẻ kinh nghiệm.

    [​IMG]

    Ảnh minh họa: swiss

    Bác sĩ Trần Minh Thiệu, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) cho biết, hội chứng ruột kích thích là sự rối loạn chức năng của ruột có những đặc điểm như đau và quặn bụng trên sáu đợt trong năm, rối loạn đại tiện, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày hoặc táo bón kéo dài hơn bốn ngày, đầy bụng sình hơi. Các triệu chứng tái phát nhiều lần trong năm và có thể kéo dài nhiều năm nhưng không có các tổn thương thực thể. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, điều trị rất tốn kém mà kết quả lại hạn chế.

    Theo bác sĩ Thiệu, những dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích là có máu trong phân hay trong nước tiểu, nôn ói, đau bụng hoặc tiêu chảy phải thức dậy giữa chừng, sốt, sụt cân. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của hội chứng này. Đây là bất thường trong di chuyển của thức ăn qua ống tiêu hóa và tăng cảm nhận về nhu động bình thường của ruột. Chúng thường xảy ra sau một giai đoạn viêm dạ dày - ruột, sự dị ứng hoặc tính nhạy cảm với thức ăn, mất cân bằng hệ thống hormone, stress, lo âu...

    Hội chứng ruột kích thích thường khó chẩn đoán, được loại trừ một số bệnh lý khác và thực hiện các xét nghiệm hóa sinh, chẩn đoán hình ảnh như CT scan, chụp X-quang ruột non, nội soi ống tiêu hóa dưới. Cần phải kết hợp giữa bệnh sử, khám lâm sàng và những xét nghiệm lựa chọn để có thể chẩn đoán. Xét nghiệm máu hay X-quang đơn lẻ không giúp chẩn đoán được.

    Hội chứng ruột kích thích là bệnh liên quan đến thần kinh nên yếu tố tâm lý rất quan trọng. Nguyên tắc quan trọng khi điều trị là tiến hành liệu pháp tâm lý, khám ân cần tỉ mỉ, giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ để kết hợp với dùng thuốc. Bệnh nhân cần hiểu rõ đây là bệnh không nguy hiểm, không tiến triển thành viêm loét hay ung thư đại tràng.

    Bổ sung chất xơ có thể cải thiện triệu chứng táo bón và tiêu chảy. Bệnh nhân ít kinh nghiệm có thể khiến tình trạng trướng bụng đầy hơi thêm trầm trọng với chế độ ăn nhiều chất xơ. Tránh dùng caffeine có thể giúp giảm độ trầm trọng của các triệu chứng. Luyện tập thể dục, tập thở, xoa bụng, hạn chế căng thẳng thần kinh.

    Lê Phương

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Người mẹ nén đau do hội chứng ruột kích thích để mang bầu sinh con

Share This Page