Năm 15 tuổi, Tùng bị cà lăm. Đang học lớp chuyên Pháp chuyển sang tiếng Anh, chàng học sinh bối rối và bỗng không thể nói trọn vẹn một câu giao tiếp thông thường. Thời điểm đó, bạn bè trong lớp chỉ cần cầm điện thoại nghe im lặng thì biết ngay Tùng chính là người ở đầu dây bên kia. Khi thầy giáo gọi lên kiểm tra, dù biết câu trả lời nhưng vì cà lăm mà anh không nói nổi. Những khoảnh khắc ấy trở thành trò cười cho cả lớp. Còn với chàng trai tuổi mới lớn, đó là nỗi ám ảnh, một nỗi sợ đeo bám đến tận lúc anh nhận học bổng và sang Mỹ du học. Sự tự ti khiến Tùng gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với môi trường mới. Anh suy sụp với ý nghĩ không thể im lặng hoài nhưng khi nói thì chỉ phát ra câu ngắn ngủn. Có lúc chàng du học sinh nản chí và tuyệt vọng. Anh cố gắng lục lọi sách vở và tra cứu trên mạng để tìm hiểu về căn bệnh này. Một giáo viên tại Đại học Ohio động viên Tùng: “Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó”. Anh thử vào làm việc tại văn phòng chuyên gọi điện thoại cho cựu học sinh để xin ủng hộ nguồn quỹ của trường đại học. Mỗi ngày Tùng thực hiện đến cả trăm cuộc gọi. Dần dần, nỗi sợ giao tiếp không còn nữa và anh cũng không biết từ bao giờ đã có thể nói nhiều câu trọn vẹn. Hơn nữa, kỹ năng bán hàng cũng như ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt. Tùng bắt đầu tự tin hơn. Anh đi làm thêm đủ công việc, từ bưng bê, phục vụ nhà hàng để kiếm tiền, tích lũy kinh nghiệm. Từ một người tự ti, rụt rè, Tùng bước khỏi vỏ bọc và một lần nữa hòa nhập với thế giới. Năm 2012, anh trở về Việt Nam sau nhiều năm xa quê hương và gia nhập dự án thương mại điện tử triệu USD Lana do IDG Ventures đầu tư. Chàng trai gốc Đà Nẵng cũng tham gia đồng sáng lập một số dự án. Tùng bay đi bay về thường xuyên giữa Mỹ và Việt Nam. Kevin Tùng Nguyễn vượt qua nỗi sợ cà lăm và giờ là nhà sáng lập startup. Ảnh: NVCC. Năm ngoái, trong thời gian giúp một doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xã hội tuyển dụng nhân sự, doanh nhân 8x nhận thấy mảng này còn nhiều vấn đề. Đặc biệt với sinh viên, đối tượng luôn muốn tìm việc nhanh nhất có thể, họ luôn phải đi khắp nơi rải đơn mà chưa chắc hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng rất khẩn thiết nhưng không phải lúc nào cũng tìm được người phù hợp, dù là vị trí không cần nhiều kỹ năng. Tùng bắt đầu xây dựng Jobhop, ứng dụng đơn giản trên di động giúp sinh viên tìm việc thuận tiện, nhanh chóng. Đến tháng 6 năm nay, sau nửa năm ấp ủ, ứng dụng chính thức ra mắt. Không phải lần đầu làm sản phẩm tung ra thị trường, anh vẫn cảm thấy hồi hộp. Những con số chạy nhảy trên màn hình sống động khiến Tùng không khỏi hồ hởi. Nhưng anh hóm hỉnh nói: “Kinh nghiệm đã dạy tôi kiềm chế bớt sự phấn khởi bởi startup là một con đường chông gai. Đây chỉ mới là khởi đầu”. Người dùng có thể dễ dàng tạo hồ sơ, tìm việc phù hợp với vị trí địa lý, thời gian rảnh, lịch học và mức lương mong muốn thông qua ứng dụng. Tính năng video cho phép đăng tải hoặc trực tiếp quay video dưới 60 giây để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mỗi hồ sơ khi nộp tốn 10 chuối - đơn vị tiền tệ tại ứng dụng. Mỗi chuối tương ứng một nghìn đồng nhưng hiện miễn phí cho người dùng. Tùng cho biết hình thức này là để giới hạn người dùng không rải đơn tùy tiện mà phải có chọn lọc theo đúng nhu cầu. Đây cũng là cách tôn trọng nhà tuyển dụng, tránh tối đa tình trạng hồ sơ ảo. Hiện Jobhop đã có hơn 4.000 người dùng, 7.000 công việc và 150 nhà tuyển dụng là đối tác. Trong đó có những thương hiệu lớn như KFC, VinMart, Gongcha, BHD Cinema... Tùng và đội ngũ Jobhop. Ảnh: NVCC Mọi thứ luôn cần một sự khởi đầu. Tùng vẫn đang đi con đường mà anh lựa chọn suốt mấy tháng qua, tức đồng hành cùng sinh viên trong hành trình tìm việc, tìm kiếm trải nghiệm làm hành trang cho tương lai. Một tuần của chàng doanh nhân luôn bận rộn với những cuộc gặp, trong số đó có đến trường đại học và gặp gỡ sinh viên. Anh phối hợp cùng các trường tổ chức những buổi hội thảo cho sinh viên, dành nhiều thời gian tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng của các bạn. Tùng đánh giá cao cộng đồng sinh viên tại Việt Nam hiện nay với ưu điểm năng động, ham học hỏi, làm việc có logic và suy nghĩ sâu sắc. “Một xã hội đã rất phát triển như Mỹ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, trở về Việt Nam cho tôi cơ hội giúp đỡ nhiều người mà tôi yêu thương hơn. Đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất với lựa chọn của mình”, anh chia sẻ. Mỗi ngày tại văn phòng ở TP HCM, Tùng và nhân viên của mình đều dành thời gian chia sẻ về công việc. Chủ đề xoay quanh về mọi thứ họ thực hiện trong ngày, những khó khăn và không thiếu những bữa ăn vặt ngẫu hứng, một phần hồn của văn phòng startup. Mọi thứ đã níu chân Tùng ở lại Việt Nam. Giấc mơ của chàng doanh nhân từng cà lăm giờ đây là đưa sản phẩm của mình tiếp cận một triệu người dùng trong thời gian ngắn nhất. “Tôi hy vọng ứng dụng sẽ đạt 20.000 nhà tuyển dụng trong 12 tháng tới”, anh không giấu tham vọng. Trương Sanh Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress