Phát biểu tại hội thảo dân số ngày 6-7/9, tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Dân số Việt Nam cảnh báo mức sinh hiện rất thấp của TP HCM. Có thời điểm mức sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố xuống chỉ còn 1,4 hoặc nhích nhẹ 1,45-1,5 con. Trong khi đó tỷ lệ sinh thay thế cần thiết của TP HCM là 2,1. Tỷ lệ sinh con ở TP HCM thấp nhất cả nước "Mức sinh thấp gây nhiều tác động, không đảm bảo phát triển kinh tế xã hội trong tương lai", ông Nhạc phân tích. Mức sinh thấp còn tác động đến cân bằng giới tính. Nếu sinh một con đa số các cặp vợ chồng thường ưu tiên con trai với bé đầu lòng. Mức sinh thấp còn ảnh hưởng đến tốc độ già hóa dân số do tỷ lệ người già ngày càng nhiều trong khi trẻ em ngày càng ít. Các nước giàu mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển từ già hóa dân số sang thời kỳ dân số già, còn Việt Nam chỉ trong hơn 20 năm. Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng với độ tuổi lao động rất cao, nhưng khoảng hơn chục năm nữa lớp trẻ già đi thì nguy cơ cơ cấu dân số mất cân bằng. Nếu ngày nay bố mẹ chỉ sinh một con, trong tương lai đứa trẻ này lớn lên phải "cõng trên vai" cả bố mẹ, ông bà; một người phải nuôi hai hoặc thậm chí bốn người. Theo đó cơ cấu dân số vàng sẽ thu hẹp lại. Ở những thành phố lớn như TP HCM, sinh một đứa con rất tốn kém do chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến học tập, y tế… Ảnh minh hoạ: X.B. Tình trạng mức sinh xuống quá thấp hiện cũng phổ biến ở các đô thị lớn trên cả nước. Đây là điều đã xảy ra ở nhiều nước phát triển, kinh tế xã hội và chất lượng đời sống được nâng cao. Trong khi đó nghịch lý là dân những vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu xa lại đẻ nhiều. Theo tiến sĩ Nhạc, ở những vùng kinh tế kém phát triển, sinh một đứa con mang lại “nguồn lợi vô cùng lớn” cho gia đình, trở thành lực lượng lao động chính, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn có thể nuôi cả nhà. Đứa con lớn lên là “bảo hiểm” cho bố mẹ khi về già. Ngược lại, người dân sống ở những nơi kinh tế phát triển hiểu rất rõ một đứa trẻ chào đời là “hao tổn kinh tế”. Ở những thành phố lớn như TP HCM, sinh một đứa con rất tốn kém từ tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến học tập, y tế… Nguyên nhân thứ hai, phụ nữ hiện nay ngày càng làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc vào người chồng. Họ quyết định được quyền lấy chồng và có con theo ý muốn của mình, chủ động tránh thai. Nhiều phụ nữ tự chủ kinh tế, không có ý định kết hôn và sinh con. Mức sinh thấp còn là do tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng cao. Nhiều trẻ em gái có thể quan hệ tình dục từ rất sớm, thiếu hiểu biết trong sử dụng các biện pháp tránh thai dẫn đến phá thai không an toàn, gây khó có con hoặc vô sinh về sau. Tình trạng vô sinh thứ phát cũng phổ biến, nhiều cặp vợ chồng không thể sinh tiếp đứa con thứ hai như mong muốn. Theo ông Nhạc, bên cạnh việc tuyên truyền khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ngành y tế và dân số cần phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để đảm bảo người phụ nữ sinh con khỏe mạnh, hạn chế phá thai vì thiếu hiểu biết ở tuổi vị thành niên. Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2018. Theo đó Bộ Y tế đề xuất cho phép các cặp vợ chồng có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Quy định này nhằm duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Theo Bộ Y tế, mức sinh hiện nay còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh thành. Việt Nam đang ở mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh 2,1 con. TP HCM là địa phương có mức sinh thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trung bình và chênh lệch lớn so với các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh cao nhất là Lai Châu với 3,11 con. Các tỉnh phía Nam tại Đông Nam Bộ tỷ lệ sinh 1,56 con ở một phụ nữ tuổi sinh sản. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress