Theo báo RT của Nga, Putin nói với các sinh viên rằng: "Trí tuệ nhân tạo là tương lai không chỉ với riêng nước Nga mà với toàn nhân loại. Nó mang tới những cơ hội vô cùng to lớn nhưng đi kèm là những mối đe doạ khó lường. Bất cứ ai, nếu đứng đầu trong lĩnh vực này, cũng sẽ trở thành kẻ thống trị thế giới". Vì vậy, Nga cho biết họ muốn chia sẻ những hiểu biết về trí tuệ nhân tạo với các nước khác bởi việc một nước giành vị trí độc tôn là không hay. Hiện AI đang được các hãng công nghệ Mỹ đẩy mạnh như Google, Facebook, Microsoft và Apple. Những tên tuổi này đang sở hữu một số dịch vụ và chương trình AI đột phá. Đầu năm 2016, phần mềm AlphaGo với công nghệ DeepMind của Google ghi một dấu mốc mới khi chiến thắng huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol (Hàn Quốc). "Tôi rất ngạc nhiên, không nghĩ mình sẽ thua, không ngờ AlphaGo có thể chơi hoàn hảo như vậy", Lee cho hay. Microsoft cũng tuyên bố đã phát triển một hệ thống nhận diện giọng nói đạt cấp độ "như con người" với tỷ lệ mắc lỗi chỉ 5,9% và khẳng định đây là thành tựu mang tính đột phá trong lịch sử phát triển AI. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo có thể mở rộng và trở thành vũ khí, khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới. Ông hoàng vật lý Stephen Hawking và CEO Tesle Elon Musk bày tỏ lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại nếu vượt ngoài tầm kiểm soát. "Sự trỗi dậy của các hệ thống AI có thể là điều tuyệt nhất nhưng cũng có thể là thứ tồi tệ nhất xảy ra với loài người. Chúng ta không biết mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào", Giáo sư Hawking nhận định. Theo Trang Công Nghệ