Nọc độc của rắn hổ tấn công vào prothrombin giúp đông máu. Ảnh: IB Times. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland vừa phát hiện ra rằng loài rắn hổ (tiger snake) có nọc độc hiệu quả đến mức 10 triệu năm qua không thể tiến hóa thêm, theo IB Times. Đây là một trường hợp đặc biệt trong quá trình tiến hóa của loài rắn. Trong thế giới tự nhiên, kẻ đi săn và con mồi sẽ tham gia vào một cuộc "chạy đua vũ trang". Những kẻ đi săn như rắn hổ sẽ phát triển vũ khí để giết mồi, còn con mồi thì tiến hóa để kháng lại. Tuy nhiên, nọc độc của rắn hổ đã dừng tham gia cuộc đua từ hơn 10 triệu năm trước. Nguyên nhân là loại độc này nhắm đến prothrombin, một protein giúp đông máu và đóng vai trò quan trọng trong cơ thể sinh vật đến mức không thể thay đổi. Sự đông máu được hình thành bởi nhiều chuỗi enzyme dài và phức tạp, hoạt động ở mức cân bằng hoàn hảo. Khi các đột biến gen xảy ra gây rối loạn quá trình này, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng vô cùng nguy hiểm, ví dụ như mắc chứng máu khó đông. Điều đó nghĩa là các protein như prothrombin, dưới sức ép của quá trình chọn lọc tiến hóa, phải được giữ nguyên. Khi tổ tiên rắn hổ có được loại độc tấn công prothrombin, con mồi không thể tiến hóa để kháng độc vì sẽ ảnh hưởng đến tính cân bằng của quá trình đông máu. Một lợi thế nữa của nọc độc rắn hổ là prothrombin có trong rất nhiều loài vật, biến nó trở thành một thứ vũ khí vô cùng đa năng và linh hoạt. "Cơ chế đông máu của chúng ta được bảo tồn một cách đáng ngạc nhiên, hơn bất cứ chức năng sinh lý nào khác. Điều này cũng tương tự với nhiều loài vật khác – từ loài lưỡng cư đến chim và động vật có vú", tác giả nghiên cứu Bryan Fry nói. Nghiên cứu tiến hành trên 16 quần thể rắn hổ ở miền nam Australia và tất cả đều có loại độc như nhau. Ba nhóm rắn khác thuộc họ gần với rắn hổ cũng có chung loại độc này. Thông tin trên giúp việc điều trị vết thương do một số loại rắn cắn trở nên dễ dàng hơn, vì một chất kháng độc hiệu quả với loại rắn hổ này cũng sẽ hiệu quả với tất cả các loại rắn hổ và cả ba nhóm rắn khác. Thu Thảo Nguồn VNExpress