Tỷ phú công nghệ Elon Musk và các chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) kêu gọi Liên Hợp Quốc cấm robot giết người. Elon Musk của Tesla và Mustafa Suleyma của Google dẫn đầu nhóm 116 người từ 26 quốc gia ký thư hối thúc Liên Hợp Quốc (UN) cấm sử dụng vũ khí sát thương tự động nhằm ngăn chặn cuộc cách mạng vũ khí mới, Guardian ngày 20/8 đưa tin. Thư xuất hiện trong bối cảnh UN đã bỏ phiếu đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về vấn đề vũ khí sát thương tự động bao gồm thiết bị bay không người lái, xe tăng và súng máy tự động. Tỷ phú người Mỹ Elon Musk. (Ảnh: AFP). Trong thư, các nhà sáng lập cảnh báo việc chạy đua phát triển vũ khí sát thương tự động có thể dẫn đến cuộc cách mạng vũ khí thứ ba sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. "Vũ khí sát thương tự động khi được phát triển sẽ khiến xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô chưa từng thấy với tốc độ nhanh hơn con người có thể tưởng tượng". Theo các chuyên gia, khủng bố có thể dùng loại vũ khí này để sát hại dân thường. Con người cần hành động ngay. "Một khi được mở ra, chiếc hộp Pandora tai ương này sẽ khó bị đóng lại", lá thư viết. Công nghệ AI được cảnh báo đã chạm ngưỡng khả thi hóa việc triển khai vũ khí tự động chỉ trong vài năm. Musk từng gọi AI là mối đe doạ hiện hữu lớn nhất với loài người. Thư sẽ được đưa ra tại lễ khai mạc Hội nghị Liên kết Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (IJCAI) ở Melbourne, Australia ngày 21/8, kêu gọi UN liệt các hệ thống vũ khí sát thương tự động vào danh sách vũ khí bị cấm trong công ước về vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc. Hai năm trước, IJCAI đưa ra bức thư có nội dung tương tự. Anh năm 2015 phản đối lệnh cấm vũ khí sát thương tự động, cho rằng luật nhân đạo quốc tế đã có quy định phù hợp. Nhiều loại vũ khí sát thương tự động đã và đang được phát triển hoặc đưa vào sử dụng trên thế giới. "Công nghệ AI được dùng để hỗ trợ con người cũng có thể làm vũ khí tự động để công nghiệp hóa chiến tranh", Toby Walsh, giáo sư về AI tại Đại học New South Wales ở Sydney nói. "Giờ đây chúng ta cần quyết định chúng ta muốn chọn tương lai nào". Nguồn KhoaHoc.TV