Các siêu hố đen xé nát sao với tần suất gấp 100 lần quan điểm trước đây của các nhà nghiên cứu. Các nhà khoa học Anh trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature công bố hiện tượng sao bị hút vào hố đen (TDE) diễn ra với tần suất lớn gấp nhiều lần quan điểm cũ, Knowridge ngày 14/8 đưa tin. Các siêu hố đen có khối lượng khổng lồ thường xuất hiện ở trung tâm thiên hà. (Video: YouTube). Các nhà thiên văn học trước đây tin rằng sự kiện TDE xảy ra ở tần suất một lần mỗi 10.000-100.000 năm tại một thiên hà do chỉ phát hiện hiện tượng này sau các cuộc khảo sát hàng nghìn thiên hà. Tuy nhiên, nghiên cứu mới ghi nhận TDE trong mẫu khảo sát chỉ 15 thiên hà. "Tất cả 15 thiên hà này đều đang va chạm với thiên hà lân cận", James Mullaney, đồng tác giả nghiên cứu, giảng viên về thiên văn học tại Đại học Sheffield, Anh, cho biết. "Tần suất xảy ra TDE tăng mạnh khi các thiên hà va chạm, có thể do các vụ va chạm khiến một lượng sao hình thành gần các siêu hố đen ở trung tâm thiên hà". Theo nghiên cứu này, TDE sẽ trở nên phổ biến với con người khi dải Ngân hà sát nhập với thiên hà Andromeda sau khoảng 5 tỷ năm. "Bằng mắt thường chúng ta sẽ thấy ánh sáng sáng hơn tất cả các ngôi sao và hành tinh khác trên trời đêm phát ra từ trung tâm dải Ngân hà vào thời điểm sát nhập", Clive Tadhunter, giáo sư vật lý thiên văn dẫn đầu nghiên cứu, cho biết. Tần suất xảy ra TDE tăng mạnh khi các thiên hà va chạm. Việc phát hiện siêu hố đen ẩn nấp ở trung tâm thiên hà lớn khó thực hiện do lực quá mạnh của chúng khiến ánh sáng cũng không thể vượt qua. Tuy nhiên, sao khi tiến gần siêu hố đen sẽ giải phóng năng lượng tạo ra ánh sáng mạnh, làm trung tâm thiên hà sáng bằng hàng tỷ ngôi sao của một thiên hà thông thường gộp lại. Nguồn KhoaHoc.TV