Ít ai biết rằng trước khi trở thành công việc đặc thù của nam giới, phụ nữ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực lập trình. Một trong những tượng đài ngành công nghiệp phần mềm thế giới là Jean Jennings Bartik (1924 – 2011). Bà đã có công lớn trong việc cho ra đời ENIAC (Electronic Numerical Intergrator and Computer) – siêu máy tính trong Thế chiến thứ II. Giống với phần đông nữ giới những năm 1930-1940, Jean Jennings Bartik có niềm đam mê sâu sắc với toán học. Trong lúc chiến tranh nổ ra ác liệt nhất, bà và những đồng nghiệp nữ khác đã làm việc như những chiếc “máy tính” thực thụ khi tính toán quỹ đạo bay của đại bác và tên lửa quân sự dựa trên độ cao góc bắn hoàn toàn theo cách thủ công. Mỗi loại vũ khí khác nhau đòi hỏi một bảng tính quỹ đạo riêng biệt. Để hoàn thành một bảng tính như vậy, Bartik và những đồng nghiệp phải làm việc liên tục trong hơn 30 giờ đồng hồ. Lần đầu tiên Bartik biết đến dự án ENIAC vào năm 1945. Dù không hiểu rõ công việc mình đang làm song bà đã không do dự nhận lời tham gia với hy vọng chấm dứt cuộc chiến dai dẳng bằng công nghệ hiện đại. Những nữ lập trình viên vận hành ENIAC bằng cách cắm và rút dây cáp, điều chỉnh các thiết bị chuyển mạch. (Ảnh: Getty Images). Là “siêu máy tính điện tử” đầu tiên lúc bấy giờ, ENIAC có thể thực hiện phép tính quỹ đạo và cho kết quả nhanh hơn nhiều so với việc tính toán bằng tay. Mặc dù nam giới thiết kế ra ENIAC, song họ cho rằng việc viết các chương trình hoạt động trên cỗ máy này thật tẻ nhạt và chỉ dành cho nữ giới - giống như công việc văn thư vậy. Trao đổi với đài phát thanh NPR, nhà sử học Walter Isaacson nhận định: “Nam giới sở hữu sự khéo léo để chế tạo ra phần cứng. Tuy nhiên, phụ nữ mới là những nhà toán học giỏi để tạo ra phần mềm – linh hồn của các thiết bị - dù công việc này bị xem nhẹ và không được trả công xứng đáng”. Đêm trước khi ENIAC có màn trình diễn đầu tiên trước công chúng, nó đã gặp phải một số hỏng hóc nghiêm trọng. Chính Bartik và người đồng nghiệp Betty Snyder đã khắc phục và khiến ENIAC hoạt động trở lại. Kết quả thành công ngoài mong đợi: ENIAC đã tính toán quỹ đạo của tên lửa chỉ trong vòng 20 giây, ít hơn 10 giây so với thực tế. Điều này khiến công chúng cực kỳ mãn nhãn và thích thú. Đáng tiếc, sau sự kiện, Bartik và Snyder không hề được nêu tên hay có mặt trong các bức hình của báo giới. Thậm chí, họ còn không được mời đến bữa tối ăn mừng ngày hôm sau. Jean Jennings Bartik (trái) trong lúc sử dụng bảng điều khiển chính của ENIAC. (Ảnh: Wikimedia). Khi chiến tranh qua đi, Bartik và đội ngũ “ENIAC Girls” gồm 6 người phụ nữ khác đã cùng nhau làm việc với UNIVAC (UNIVersal Automatic Computer) - một trong những máy tính thương mại đầu tiên của thế giới. Tại đây họ đã gặp nữ quân nhân hải quân dự bị, người sau này trở thành nhà khoa học máy tính lỗi lạc - Grace Hopper. Trong lúc miệt mài tìm kiếm cách thức làm việc hiệu quả hơn với máy tính, Hopper đã sáng tạo ra một phương pháp lập trình máy tính mới với các từ thay vì những con số. Năm 1959, bà cho ra đời COBOL - ngôn ngữ lập trình cho phép các nhà khoa học viết lệnh máy tính bằng tiếng Anh. Cho tới ngày nay, COBOL vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là các ngân hàng và chính phủ. Nó có khả năng hoạt động trên hầu như bất kỳ nền tảng nào và cực kỳ thích hợp khi sử dụng cùng các con số. Vì vậy, không khó hiểu khi COBOL được dùng trong hầu hết giao dịch kinh doanh. Mỗi lần người dùng quẹt thẻ tín dụng hoặc giao dịch đầu tư bảo đảm, đều có sự góp mặt của COBOL. Vào những năm 50, có 30–50% nữ giới làm công việc của lập trình viên. Điều này được cho là hết sức tự nhiên, đến nỗi tạp chí Cosmopolitan còn đăng tải bài viết với tựa đề “Computer Girls” (Những cô gái máy tính) vào năm 1967. Nghề lập trình dần được coi trọng và trở thành một trong những công việc vất vả nhất về mặt trí tuệ, dĩ nhiên, tiền lương từ đó cũng được tăng lên đáng kể. Theo nhà sử học Nathan Ensmenger, nam giới bắt đầu quan tâm tới công việc này và tìm mọi cách để gia tăng uy tín trong nghề. Họ thành lập các tổ chức nghề nghiệp, tìm kiếm các yêu cầu khắt khe hơn khi tham gia vào lĩnh vực này. Nhiều tờ báo đã lên tiếng chỉ trích các thói quen không tốt của phụ nữ như tán gẫu, lãng phí thời gian và dễ mắc lỗi là lý do khiến họ không thích hợp trong công việc. Nam giới lúc này trở nên “vụt sáng” và được coi là sự lựa chọn hàng đầu cho công việc lập trình. Phụ nữ từng được coi là người nắm giữ tương lai của ngành khoa học máy tính. (Ảnh: Cosmopolitan). Vào thời điểm những năm 80, máy tính cá nhân bắt đầu xuất hiện. Hình mẫu lý tưởng của lập trình viên được đóng khung trong hình ảnh của Steve Jobs hay Bill Gates. Hơn thế nữa, những bộ phim đình đám thời bấy giờ như Weird Science, War Games, hay Real Genius lại càng góp phần tô đậm hình tượng này. Thậm chí các nhà sản xuất trò chơi điện tử, máy tính cá nhân còn mặc định đối tượng khách hàng hướng tới là trẻ em nam và nam giới. Tất cả khiến hình thành định kiến trong tâm trí mọi người về văn hóa công nghệ với lực lượng lao động chính là các đấng mày râu. Theo nghiên cứu của Jane Margolis thuộc Đại học Carnegie Mellon, các gia đình có xu hướng mua máy tính cho con trai hơn là cho con gái. Việc tuyển sinh ở các trường đại học công nghệ cũng tương tự khi ưu tiên học sinh nam thay vì học sinh nữ. Cơ hội việc làm vì thế cũng có sự chênh lệch theo. Đến năm 2011, tỷ lệ phụ nữ tham gia các chương trình khoa học máy tính đã giảm xuống còn 17%. Ngày nay, chỉ có 6,7% nữ giới có bằng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học (STEM) so với 17% ở nam giới. Chủ đề bình đẳng giới chưa bao giờ thôi nóng trong các cuộc bình luận. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song phụ nữ hiện đại vẫn đang từng ngày chứng minh không thể thay thế qua năng lực và khả năng của bản thân trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Nguồn KhoaHoc.TV