Mảnh sao băng màu hồng nằm giữa hố va chạm đang bốc lửa. Video: YouTube. Ông Jay Sullivent ở Appling, bang Georgia, Mỹ hôm 21/7 đăng lên mạng xã hội đoạn video về một vật thể mà ông cho là mảnh thiên thạch đâm xuống mảnh đất sau vườn nhà. Trong video, Sullivent nói rằng ông đang ngồi trong nhà thì nghe thấy tiếng nổ lớn ở sau vườn. Ông chạy tới và phát hiện một "hố va chạm" sâu 40 cm, đường kính 40 cm với một "mảnh thiên thạch" đỏ rực ở trung tâm. Tuy nhiên, Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) khẳng định đây là video dàn dựng với những chi tiết không hợp lý, GrindTV ngày 11/8 đưa tin. "Thiên thạch không trở nên nóng đỏ khi lao xuống mặt đất như trong các bộ phim Hollywood. Trái lại, chúng lạnh, không bốc cháy khi tiếp đất", AMS khẳng định. Theo các chuyên gia, thiên thạch thường bị nóng đỏ khi bắt đầu ma sát với khí quyển ở tốc độ cao. Tuy nhiên, lớp vỏ bị đốt nóng tan ra trong khí quyển khiến thiên thạch nguội khi đến mặt đất. "Thiên thạch có kích cỡ như vậy cũng không tạo ra hố va chạm", AMS khẳng định. Thiên thạch, sao chổi hay tiểu hành tinh đi vào bầu khí quyển Trái Đất làm không khí bao quanh bị đốt cháy, tạo nên hiện tượng sao băng. Ước tính có khoảng 15.000 tấn thiên thạch, tiểu thiên thạch và bụi vũ trụ rơi vào Trái Đất mỗi năm. Vũ Phong Nguồn VNExpress