Cúi xuống nhặt miếng đế giày rơi, chị Hương (38 tuổi, Thanh Hóa) không ngờ mái tóc dài của mình bị cuốn vào máy đang chạy, khiến da đầu bị lột một nửa, giằng xé thành nhiều mảnh. Tai nạn xảy ra cách đây hơn một tuần nhưng đến giờ chị Hương vẫn chưa hết bàng hoàng. Hiện mảnh da đầu được nối đã sống, bắt đầu mọc tóc trở lại. Giờ chỉ nghĩ đến chiếc máy thôi mà chị đã run cả người, thậm chí cả trong giấc mơ cũng thấy sợ. Người phụ nữ nhớ lại tối hôm ấy vẫn làm công việc hằng ngày là mài đế giày trên máy, không ngờ tai nạn bất ngờ xảy đến. Lúc đấy, hoảng, đau quá chị chỉ kịp ngồi xuống và gọi người đối diện tắt máy. Vì hàng hóa nhiều, lại cuống cuồng nên phải mất một lúc mọi người mới tắt máy được. Sau hơn một tuần mảnh da đầu được nối của chị Hương đã bắt đầu mọc tóc. Ảnh: N.P. Chị được đưa đến bệnh viện tỉnh sơ cứu rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) lúc 3h sáng cùng với mảnh da đầu bị đứt rời bảo quản trong đá lạnh. Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thông thường da đầu bị giằng giật tương tự thì sẽ bị lột toàn bộ, nhưng trường hợp này đặc biệt ở chỗ chỉ bị lột một nửa, nửa này lại chia thành nhiều mảnh nhỏ. Mảnh lớn nhất có kích thước 6x12cm, còn lại khoảng 3x4, 4x5cm... "Chúng tôi xác định đây là một ca khó, mảnh da đầu bị giằng xé thành nhiều mảnh nhỏ, các tổ chức ở da có thể bị dập nát, khả năng thành công có thể không cao", bác sĩ Giang nói. Trong số các mảnh da được đưa đến, bác sĩ lọc ra được 3 mảnh tương đối lớn. Trong đó, mảnh lớn nhất nằm ở vùng gần thái dương, soi dưới kính hiển vi thấy có một động mạch nhỏ nên các bác sĩ quyết định nối mảnh này trước. Ca vi phẫu kéo dài từ 5h sáng đến tận 15h chiều hôm ấy. Các mảnh còn lại kích thước nhỏ, không tìm thấy được các mạch náu nên không nối lại được. Vì thế, bác sĩ chỉ lấy một lớp mỏng của các mảnh da này (da đầu khá dày, có 5 lớp) ghép cho phần còn thiếu da để xương không bị lộ, phần da này tóc không mọc được. Đến giờ chị Hương vẫn thấy hốt hoảng khi nhớ lại vu tai nạn. Ảnh: N.P. Dự kiến 2-3 ngày nữa, bệnh nhân có thể ra viện. 6 tháng sau, chị Hương có thể đến viện để làm giãn da đầu, mục đích có phần da đủ lớn để khâu che phủ khoảnh da không có tóc còn lại. "Lúc lên bàn mổ nhìn hình ảnh phản chiếu qua đèn mổ thấy hết cả tóc, đầu mất hẳn mảng da, máu chảy, hoảng quá tôi ngất luôn. Tôi không nghĩ mình sống được chứ chưa nói gì đến việc nối được da đầu, tóc mọc trở lại được", chị Hương thở phào nói. Cũng theo bác sĩ Giang, hiện chưa có phương pháp tạo hình nào có thể phục hồi hoàn toàn cấu trúc của da đầu, cách duy nhất là nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Nhiều người nghĩ không nối được nên vứt đi, rất phí. Thay vào đó hãy gom tất cả các mảnh này lại dù nhỏ hay lớn bảo quản đúng cách và mang ngay đến Bệnh viện Việt Đức hoặc gọi nhờ bác sĩ tư vấn qua điện thoại 0438253531, máy lẻ 350. Về cách bảo quản, cần lưu ý cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để các phần này tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại phần da thì không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Nam Phương Nguồn VNExpress