Hiệu quả của phương pháp thủy châm trong điều trị đau vai gáy được báo cáo tại hội nghị "Ứng dụng thủy châm và nhĩ châm trong điều trị bệnh" do Viện Y dược học dân tộc TP HCM kết hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức cuối tuần qua. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nhâm Chấn Phát lưu ý phương pháp này chỉ áp dụng cho những trường hợp đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ. Không dùng cho bệnh nhân bị đau vai gáy trong các bệnh cảnh liên quan đến chèn ép tủy cổ như viêm tủy, thoát vị đĩa đệm thể trung tâm, u tủy, rỗng tủy. Bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp thủy châm tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM. Ảnh: TT. Theo bác sĩ Phát, hội chứng đau vai gáy liên quan đến bệnh lý đốt sống cổ rất phổ biến hiện nay. Tùy theo mức độ và vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể bị những rối loạn cảm giác và vận động do rễ thần kinh thuộc đám rối thần kinh cánh tay chi phối. Triệu chứng thường gặp là đau hoặc tê sau gáy, lan xuống vai và tay, có thể kèm theo yếu, giảm trương lực ở các cơ tương ứng với các rễ thần kinh bị thương tổn chi phối. Y học cổ truyền lý giải nguồn gốc của chứng đau vai gáy do phong hàn thấp xâm nhập làm tổn thương kinh lạc, cản trở lưu thông khí huyết và gây đau. Nếu không điều trị, lâu ngày sẽ gây tổn thương gân cơ gây yếu, teo cơ. Các nhà nghiên cứu y học cổ truyền tìm ra phương pháp thủy châm là sự kết hợp giữa châm cứu và đưa thuốc vào huyệt giúp điều trị hiệu quả chứng đau vai gáy ở những bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ. Thông thường người bệnh cần thủy châm mỗi ngày một lần, mỗi lần châm từ 2 đến 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 30 lần tùy theo mức độ bệnh và đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân. Các bác sĩ lưu ý: Thủy châm là phương pháp mới và khó hơn châm cứu thông thường nên cần được thực hiện bởi các bác sĩ, y sĩ, lương y được đào tạo chuyên về thủy châm. Quá trình thực hiện cần dùng bơm tiêm vô khuẩn, loại 5 ml dùng riêng cho từng người, các loại thuốc được dùng phải theo đúng y lệnh. Người bệnh cần được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định. Có thể tiến hành thủy châm ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi. Sau khi thủy châm, bệnh nhân cần được theo dõi tại chỗ và toàn thân. Một số ít trường hợp có thể xảy ra tai biến (gọi là vựng châm) với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Khi đó, xử trí bằng cách rút kim ra ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ, đồng thời day bấm các huyệt thái dương, nội quan và theo dõi mạch, huyết áp. Nếu có tình trạng chảy máu khi rút kim, cần dùng bông vô khuẩn ấn tại chỗ, không được day. Nguồn: VNExpress