Bạn nghĩ trí tuệ hay sự thông minh sẽ quyết định bao nhiêu phần đến nhân cách, chuyện thành bại trong cuộc sống của một đứa trẻ? Thành công là một cụm từ mà khi nhắc đến, người ta luôn nghĩ về sự cần cù và trí tuệ. Nhưng theo James Heckman - nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, thì vai trò của trí tuệ không thực sự quan trọng. Vì sao ư? Ông đã từng thực hiện một nghiên cứu về sự khác biệt giữa thu nhập và trí tuệ (tính bằng chỉ số IQ). Kết quả, trí tuệ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% - 2% chênh lệnh mà thôi. Anbert Einstein. Vậy nếu như IQ không phải là yếu tố quan trọng, thì điều gì sẽ giúp bạn trở nên giàu có? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, vì có khá nhiều yếu tố - bao gồm cả may mắn - làm nên sự khác biệt trong thu nhập. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Heckman, thì thứ có ảnh hưởng nhiều nhất chính là tính cách, mà cụ thể hơn là các đức tính: siêng năng, kiên trì, kỷ luật. Để có được kết luận này, Heckman và cộng sự đã nghiên cứu 4 bộ dữ liệu, trong đó xét đến các yếu tố: IQ, điểm số, tính cách, và kết quả một bài thi tổng hợp. Đây là một bộ dữ liệu khổng lồ, được thu thập từ vài ngàn người thuộc Anh, Mỹ và Hà Lan, trong vòng nhiều thập kỷ từ lúc còn nhỏ. Chưa kể, dữ liệu còn theo dõi cả hồ sơ phạm tội, chỉ số sức khỏe, và mức độ hài lòng với cuộc sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm số và kết quả bài thi là những thứ giúp đánh giá khả năng thành công khi trưởng thành chính xác hơn điểm IQ. Nhưng chẳng phải, IQ và điểm số có liên hệ mật thiết hay sao? Sự nỗ lực và lòng kiên trì là những đức tính giúp bạn theo đuổi thành công. Để cho rõ ràng, Heckman giải thích điểm số cao chưa chắc là do bạn thông minh hơn, mà còn nhờ một số đức tính khác: tính kiên trì, thói quen học tập lành mạnh, và khả năng cộng tác với bạn học. Nói cách khác, tính cách hoặc nhân cách chính là yếu tố quyết định điểm số của bạn, và chúng ảnh hưởng đến thành công sau này. Tất nhiên, trí tuệ vẫn là yếu tố không thể thiếu. Một người có IQ dưới 70 tất nhiên khó có thể làm được những việc giống như một thiên tài có IQ 190. Tuy vậy, Heckman chia sẻ thực tế rằng có rất nhiều người chẳng thể kiếm nổi việc làm vì thiếu đi những kỹ năng không xuất hiện trong bài kiểm tra IQ. Họ có thể không biết cách cư xử đúng khi đi tìm việc: đi muộn, ăn mặc thiếu chỉn chu... Hoặc kể cả khi có việc làm, họ không biết cách thể hiện sự cố gắng, và điều đó khiến cho sự nghiệp bị hủy hoại. Người thông minh mà không có tính cách tốt thường khó lòng thành công. John Erick Humphries - đồng tác giả nghiên cứu thì chia sẻ rằng ông muốn thành quả lần này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một khái niệm đang khá mơ hồ, đó là "khả năng của mỗi người". Ngay như các bài kiểm tra về IQ, chúng ta đọc kết quả chưa hẳn đã đúng, vì dường như nó được thiết kế để đánh giá nhiều vấn đề hơn là trí tuệ. Ví dụ như năm 2011, một nghiên cứu do Angela Duckworth - nhà tâm lý học tại ĐH Pennsylvania thực hiện đã cho thấy điểm IQ còn thể hiện động lực và sự nỗ lực. Trong đó, những trẻ kiên trì, chăm chỉ sẽ nỗ lực để trả lời các câu hỏi khó hơn trẻ bình thường. Tuy vậy, cả hai đều cho rằng dạy cho trẻ những đức tính rèn luyện nhân cách không phải là điều dễ dàng. Đầu tiên, chúng ta chưa thể biết được việc sở hữu quá nhiều đức tính có phải là điều tốt không. Với trí tuệ, IQ càng cao càng tốt. Nhưng về nhân cách, chúng ta chỉ có thể giữ chúng ở mức cân bằng vừa phải. Bạn sẽ không muốn tiếp xúc với một người hướng ngoại quá mức, đến nỗi chỉ muốn nói mà không cần lắng nghe, đúng chứ? Nguồn KhoaHoc.TV