Việt Nam nằm trong vùng quan sát được nguyệt thực một phần (All Eclipse Visibe). Ảnh: NASA. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, phần lớn các nước châu Á, bờ đông châu Phi và Châu Đại Dương quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần. Tại Việt Nam thời gian diễn ra nguyệt thực là đêm ngày 7, rạng sáng 8/8. Hiện tượng kéo dài trong năm tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 22h50 ngày 7/8 đến 3h50 ngày 8/8. Ban đầu Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất nên còn rất sáng và có màu đỏ nhạt (gọi là pha nguyệt thực nửa tối). Đến 0h22 ngày 8/8 nguyệt thực một phần bắt đầu khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối hoàn toàn của Trái Đất và phần đi vào vùng đó chuyển sang màu đỏ thẫm. Khoảng 1h20 nguyệt thực đạt cực đại. Lúc 2h18 nguyệt thực một phần kết thúc và 3h50 nguyệt thực nửa tối chấm dứt. Mô phỏng vị trí Mặt Trăng khi đi vào bóng của Trái Đất. Ảnh: earthsky. Theo các chuyên gia người xem chỉ cần sử dụng mắt thường để quan sát mà không nhất thiết dùng các dụng cụ chuyên dụng. Với điều kiện quan sát tốt, người yêu thiên văn có thể dùng máy ảnh hoặc camera để ghi lại khoảnh khắc ấn tượng của nguyệt thực. Nguồn VNExpress