Xuất hiện ở khắp mọi nơi từ trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim cho tới ga tàu điện ngầm, các buồng hát karaoke mini (KTV mini) đang dần "xâm chiếm" quốc gia đông dân nhất thế giới. Sở hữu chức năng tương tự như các phòng karaoke truyền thống, nhưng KTV mini lại mang tới một môi trường và không gian thân mật, riêng tư hơn cho người sử dụng. Trong một không gian nhỏ, kín, có đèn, loa và micro, bất cứ ai cũng có thể là một siêu sao âm nhạc. Ảnh chụp tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Không gian khép kín của KTV mini chỉ có vài trang bị đơn giản là dàn âm thanh, hai micro, hai chiếc ghế, hai tai nghe, màn hình cảm ứng và điều hòa không khí. Sau khi người dùng quét mã QR và nhập thông tin hệ thống, họ có thể chọn bài hát mình muốn trên điện thoại thông minh hoặc màn hình cảm ứng. Trong quá trình hát, hệ thống sẽ tự đưa ra đánh giá và điều chỉnh âm thanh để giọng hát nghe hay hơn. Người dùng sẽ trả phí theo thời gian hoặc theo số lượng bài hát. Các ứng dụng thanh toán di động như WeChat Pay hoặc Alipay được hỗ trợ để hoàn tất các giao dịch. Buồng hát có giá khoảng 8 nhân dân tệ (1,2 USD) cho một bài hát và 38 nhân dân tệ cho nửa giờ sử dụng. Giá cả cũng phụ thuộc vào mức cung cầu, tương tự chiến lược giá của Uber hay Grab. "Dù tôi hát tốt hay dở cũng không ai có thể đánh giá và đó là quãng thời gian tôi dành cho riêng mình", Li Rui từ thành phố Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, ở phía đông bắc Trung Quốc, đánh giá về buồng TKV mini. Cô cũng nói rằng, so với phòng hát truyền thống, người dùng tránh được việc phải đặt phòng trước cũng như không phải trả các khoản phí phụ trội như đồ uống và hoa quả. Một buồng hát karaoke mini. Theo công ty nghiên cứu iiMedia, giá trị của thị trường KTV mini ở Trung Quốc sẽ đạt 3,18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 473 triệu USD) trong năm nay, gần gấp đôi năm ngoái. Giá trị thị trường dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2018. Bởi đối với nhiều người dân thành thị, ca hát là một cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả. "Trước đây, tổ chức một bữa tiệc trong phòng karaoke có nghĩa là bạn phải mời rất nhiều người, chọn ngày mà tất cả đều rảnh rồi đặt phòng. Điều đó không dễ dàng gì", Ma Yan, một người mê âm nhạc chia sẻ. "Nhưng với các buồng KTV mini, mọi thứ đều trở nên dễ dàng". Một lý do khác đằng sau sự thành công của các phòng KTV là niềm vui chia sẻ của người sử dụng. Hầu hết các KTV mini đều cho phép người dùng ghi âm vào điện thoại di động để tải lên mạng. Điều này giúp mọi người nhanh chóng nhận được bình luận từ bạn bè và cộng đồng mạng. Theo Alltechasia, chi phí mua một máy KTV mini khoảng 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ, cộng thêm chi phía lắp đặt, địa điểm, Internet..., tổng chi phí sẽ lên tới 30.000 đến 40.000 nhân dân tệ. Nếu mỗi máy thu về khoảng 500 nhân dân tệ mỗi ngày, sau hai tới sáu tháng, vốn bỏ ra sẽ được thu về. Tất nhiên, con số trên thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh chi phí bỏ ra, các nhà khai thác cũng phải trả phí cho chủ sở hữu các địa điểm như trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim, bên cạnh phí bảo trì. Dẫu vậy, hiện có 10 công ty lớn nhỏ đang cạnh tranh trong lĩnh vực này, cung ứng ít nhất 20.000 KTV mini cho thị trường. Vào giờ cao điểm, khách hàng đôi khi phải chờ hàng giờ để tới lượt sử dụng của mình. Hầu hết người dùng đều là thanh niên trẻ tuổi và cuối ngày, cả buồng máy đều có người lau dọn sạch sẽ. Một gia đình đang sử dụng phòng KTV Mini ở Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm hơn tới việc quản lý hoạt động này. Mới đây, Bộ văn hóa nước này đã đưa ra thông tư yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tăng cường giám sát KTV mini để tránh các ảnh hưởng xấu tới lứa tuổi vị thành niên. Liu Wei, giáo sư tại đại học Cát Lâm, nói rằng các KTV mini đã đặt người dùng vào vòng kiểm soát, làm cho quá trình ca hát trở nên "vui vẻ và cá nhân hơn rất nhiều". "Nhu cầu thúc đẩy sự phát triển", ông nói. "Chúng ta nên cho những thứ mới đủ không gian để phát triển và cho phép nó đi lên cùng với thị trường". Theo Trang Công Nghệ