Viêm đại tràng mãn tính còn gọi là viêm loét đại tràng (kết tràng) không đặc hiệu. Rau sam, hoa kinh giới, rễ cây đinh lăng, vỏ cây lựu, khoai mai... là những vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Một số triệu chứng thường gặp: - Tiết tả: Tiêu chảy, tùy mức độ nặng nhẹ có thể kèm theo đau bụng hoặc mót rặn. - Phúc thống: Đau bụng, có thể là âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, thường ở vùng bụng dưới bên trái. - Tràng phong tạng độc: Kiết lỵ, phân thường có máu mủ, có khi chỉ có máu. - Khí huyết suy hư: Người gầy, chán ăn, đầy bụng, buồn nôn, có khi sốt nhẹ, thiếu máu. Nếu bệnh nặng, có thể bị tiêu chảy liên tục (10-30 lần), sốt cao, nôn nhiều, mất nước, rối loạn điện giải hoặc thủng ruột. Cần cấp cứu gấp, nếu không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Những nguyên nhân gây viêm đại tràng mãn tính thường thấy: - Với các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đường ruột, Đông y cho là do cảm nhiễm ngoại tà lục dâm từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, chủ yếu là phong, nhiệt, thử và thấp, trong đó thấp nhiệt thường gặp nhất. - Ăn uống kém vệ sinh, không điều độ, ăn uống nhiều thức ăn khó tiêu, nhiều đạm, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn sống lạnh, cay nóng, uống nhiều rượu bia... Có khi vì quá nhạy cảm với thức ăn, hoặc phản ứng tự miễn của cơ thể. - Tinh thần bị căng thẳng, stress, với các trạng thái lo âu, buồn bực, sợ hãi, giận dữ kéo dài, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu và bài tiết của hệ tiêu hóa. - Cơ thể bẩm chất suy nhược, hoặc sau khi bị bệnh kéo dài, cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh. Phật thủ là một trong những vị thuốc trị viêm đại tràng. Ảnh:bacsi Theo Đông y, viêm đại tràng mãn tính có thể được phân thành 4 thể bệnh: 1. Thể thấp nhiệt: Là trường hợp bị nhiễm khuẩn, thường gặp lúc bệnh mới bắt đầu hoặc lúc tái phát. Triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đi cầu mót rặn, phân có máu mủ. Phép trị: Thanh nhiệt hóa thấp, tiêu độc. Bài thuốc: - Cát căn 16-20g, kim ngân hoa 12-16g, bồ công anh 12-16g, rau má 12g, quả dành dành (sao cháy) 8g. Sắc uống trong ngày. - Hoa kinh giới (sao đen) 30g, lá trắc bá (sao đen) 30g, hoa hòe (sao đen) 30g, chỉ xác (bỏ ruột) 20g. Tất cả rửa sạch, sấy khô, tán bột mịn, bảo quản trong lọ sạch. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g (trẻ em tùy tuổi uống 2-6g), với nước đun sôi để nguội. Có thể tán dập, ngâm vào phích nước sôi để uống. - Rau sam (sao) 40g, cỏ mực (sao đen) 40g, đậu đỏ (sao chín) 40g, hoa hòe (sao đen) 30g. Nấu với 600ml nước, sắc còn 250ml, chia làm 2 lần uống trước bửa ăn. - Rau sam (sao) 40-60g, xa tiền thảo (mã đề) 40g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống lúc đói bụng. 2. Thể tỳ vị hư tổn do ăn uống: Triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, phân lổn nhổn thức ăn không tiêu, chán ăn, ăn thức ăn lạ, thức ăn sống lạnh, tanh là đau bụng, buồn nôn, người mệt mỏi, lười vận động. Phép trị: Kiện tỳ, ích vị, trừ thấp, chỉ tả. Bài thuốc: - Rễ cây đinh lăng (sao) 12-16g, đậu ván (sao) 12-16g, hậu phát (sao) 10-12g, trần bì (sao) 6-8g, mã đề 10-12g. Nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bửa ăn. - Hạt sen (sao) 16-20g, đậu ván (sao) 12-16g, mộc hương 6g, sa nhân 10-12g, khoai mài 10-12g. Sắc uống như trên. - Vỏ cây lựu 15g, trần bì 15g, gừng khô 6g. Sắc uống như trên. - Rễ và vỏ củ riềng 50g, gừng khô 6g. Sắc uống như trên. - Trần bì 12-16g, lá sen khô 10-12g, sa nhân 6-8g, chỉ xác 6-8g, đậu ván (sao) 12-16g. Sắc uống như trên. - Mã đề (sao) 10- 16g, trà xanh 3g. Hai thứ đem hãm với nước sôi, khoảng 20 phút, dùng uống trong ngày. - Gạo lứt 80-100g (sao thơm), nấu thành cháo nhừ, chia ăn 2-3 lần trong ngày, ăn nóng vào lúc đói bụng. - Ý dĩ nhân (sao) 30g, gạo tẻ 60g. Hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, chia ăn 2-3 lần trong ngày. - Đậu ván 60g, củ khoai mài (hoài sơn) 60g, gạo tẻ 50g. Ba thứ cho vào nồi ninh thành cháo, chia ăn 2-3 lần trong ngày . 3. Thể can tỳ bất hòa: Đau bụng, tiêu chảy thường xảy ra sau khi tinh thần bị kích động, đi cầu xong thì hết đau, ngực bụng đau tức, chán ăn, ợ chua, bụng sôi, người bứt rứt không yên. Phép trị: Điều hòa can tỳ, lý khí, chỉ tả. Bài thuốc: - Phật thủ (xắt sợi nhỏ) 15g, hoa nhài 10g, trứng gà 2 quả. Trứng gà luộc chín, bóc vỏ rồi cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu cùng với phật thủ và hoa nhài trong 15 phút, nêm gia vị, ăn nóng vào lúc đói bụng. - Gạo tẻ 60g, đậu ván trắng (bạch biển đậu) 60g, củ sen 30-50g. Gạo tẻ và đậu ván đãi sạch, đem ninh với củ sen thành cháo. Dùng ăn vào lúc đói bụng. - Quất bì 100g, kê nội kim (màng trong mề gà) 20g. Hai thứ sấy khô, tán mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g với nước ấm. 4. Thể tỳ thận dương hư: Tiêu chảy kéo dài lâu ngày, người gầy yếu, mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng nhợt, ăn kém, lạnh bụng, thích chườm nóng, bụng đau âm ỉ, sáng sớm tỉnh giấc là phải đi ngoài ngay (ngũ canh tả), sau khi đi thì đỡ đau bụng, tai ù hoặc thính lực giảm, lưng đau gối mỏi, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép trị: Bổ tỳ, ích thận, trừ thấp, chỉ tả. Bài thuốc: - Khiếm thực (hoặc củ cây súng) 30g, hoài sơn 30g, hạt sen 30g, sa nhân 12g, gừng khô 4g. Nấu với 600ml,sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bửa ăn. - Khoai mài (hoài sơn) 100g, thịt dê 100g, gạo tẻ 250g. Khoai mài xắt nhỏ, thịt dê xắt miếng, hai thứ đem ninh với gạo thành cháo, nêm gia vị, chia ăn 2-3 lần trong ngày, vào lúc đói bụng. - Bồ dục heo (hoặc dê) 1cặp, phá cố chỉ 10g, nhục đậu khấu 10g, hạt tiêu 10g, đại hồi 10g. Các vị thuốc rửa sạch, cho vào túi vải. Bồ dục làm sạch, xắt miếng vừa ăn, đem hầm với các vị thuốc trong 30 phút, vớt túi thuốc ra, nêm thêm gia vị, dùng ăn nóng vào lúc đói bụng. Để phòng ngừa và chữa trị viêm đại tràng mãn tính có hiệu quả, cần lưu ý đến các nguyên nhân gây bệnh để có cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện và nên tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, tươi vui. Lương y Đinh Công Bảy Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM Nguồn VNExpress