Mặt trăng Titan của sao Thổ. Ảnh: NASA. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết phi thuyền Cassini lần đầu tiên phát hiện các phân tử vinyl cyanide trên mặt trăng Titan của sao Thổ, Digital Trends ngày 29/7 đưa tin. Vinyl cyanide chứa ba nguyên tử carbon, ba nguyên tử hydro và một nguyên tử nitơ, được cho là ứng cử viên phân tử số một trong khả năng tạo màng tế bào. Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu kết hợp phát hiện đo quang phổ của Cassini với dữ liệu từ kính viễn vọng vô tuyến ALMA, khẳng định sự tồn tại của vinyl cyanide trên Titan như dự đoán nhiều thập kỷ nay. Vinyl cyanide hình thành trong bầu khí quyển Titan. Trên 10 tỷ tấn phân tử này có thể đang trôi dạt trong Ligeia Mare, hồ nước lớn thứ hai ở phía bắc Titan. Các nhà khoa học hiện chưa biết chuyện gì xảy ra khi các phân tử này đi vào mặt nước. "Phát hiện này khác với tuyên bố sự sống có tồn tại trên Titan và những tế bào này nằm trong một số dạng sống nguyên thủy", đồng tác giả, nhà hóa học thiên thể Martin Cordiner, nói. "Nhưng nếu có sự sống trong hồ trên Titan, việc vinyl cyanide có thể là thành tố của sự sống đó dường như là điều hợp lý". Titan là ứng cử viên sáng giá cho sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh. Đây là nơi thứ hai trong hệ Mặt Trời có chất lỏng trên bề mặt. Bầu khí quyển của Titan chứa chủ yếu khí nitơ và những hợp chất tương tự như hợp chất được tìm thấy trên Trái Đất, đóng vai trò quan trọng với sự sống. Các nhà khoa học cho hay chưa có bằng chứng hoàn hảo nào về sự tồn tại của màng tế bào trên Titan. Một phi thuyền vũ trụ khác cần được gửi đến khu vực này để tiếp tục nghiên cứu. Từ năm 2004, phi thuyền Cassini bay quanh sao Thổ, giúp các nhà khoa học nghiên cứu mặt trăng Titan. Hơn 10 năm trước, Cassini phát hiện bằng chứng về phân tử có cấu tạo như vinyl cyanide song không thể xác định liệu đó có phải là cấu trúc phân tử của vinyl cyanide hay không. Vũ Phong Nguồn VNExpress