Trong chuyến du lịch đến Campuchia, Cassandra Postema gặp một người thợ làm trang sức thủ công từ vỏ bom, những thứ còn sót lại sau chiến tranh tại đất nước này. “Tôi chợt nghĩ sẽ rất tuyệt nếu tạo ra một thứ xinh đẹp từ nguồn gốc xấu xí. Cảm giác như việc này xoa dịu nỗi đau trong quá khứ”, cô chia sẻ. Tám tháng sau chuyến đi, nhà thiết kế người Anh biến ý tưởng này thành thương hiệu thời trang có tên Emi&Eve. Các sản phẩm là đồ tái chế từ những tàn dư chiến tranh tại Campuchia, như đồng, mìn hoặc vỏ bom mìn. Postema và cộng sự biến đổi chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật mới toanh. Nhà sáng lập dự án này từng học chuyên ngành Thời trang tại Trung tâm Thiết kế và Nghệ thuật St. Martins ở London. Cô cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang khi làm việc tại nhiều nơi trên khắp nước Anh và châu Á. Postema luôn ấp ủ trong mình giấc mơ khám phá những tiềm lực khác cho sự nghiệp của mình. Cô luôn tìm kiếm để thực hiện thứ gì đó ý nghĩa với tư cách một nhà thiết kế thời trang. Chẳng hạn như tái chế hoặc làm việc cùng những người thật sự khao khát có công ăn việc làm. “Tôi đam mê những thiết kế tốt, mà định nghĩa đó đối với tôi chính là những sản phẩm mang tính bền vững. Tôi tìm kiếm sự phối trộn của sự bền vững, sức mạnh kinh tế và thiết kế, thương hiệu cũng như thông điệp truyền thông mạnh mẽ”, cô chia sẻ. Thông điệp mà Postema muốn gửi gắm với Emi&Eve là tinh thần lạc quan và hy vọng. Rằng luôn có những điều tốt đẹp có thể lượm lặt trong một khoảng thời gian đen tối nhất của đời người. Thông qua những thiết kế của mình, cô truyền cảm hứng cho sự thay đổi có ý nghĩa với mọi người. Tàn tích chiến tranh đã được Postema và cộng sự biến đổi thành những sản phẩm có ý nghĩa với cộng đồng. Ảnh: Getty Images. “Tôi đã thấy khách hàng của mình đưa chính câu chuyện của họ vào trang sức của chúng tôi. Quan trọng hơn, chúng tôi đã tạo việc làm cho nhiều người Campuchia. Quốc gia này vẫn đang hồi sinh sau chiến tranh với những lựa chọn hạn chế cho người trẻ trong việc tìm kiếm một công ăn việc làm”, cô chia sẻ. Emi&Eve không chỉ thuê nhân công ở Campuchia, liên kết chặt chẽ với nghệ sĩ và điều phối viên, họ còn chia sẻ văn phòng với một tổ chức từ thiện địa phương. Đây là tổ chức mà Postema đồng sáng lập, giúp cộng đồng chiến đấu với HIV. Thông qua những thiết kế của Emi&Eve, nhà thiết kế người Anh cũng thể hiện sự trân trọng với nghề thủ công vốn là truyền thống văn hóa của người Khmer. Công ty đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng. Postema có một khách hàng Nhật mua một chiếc vòng tay khiến cô nhớ mãi. “Bà nói rằng bà có thể kết nối với ai đó thông qua chiếc vỏ bom trên mặt đất Campuchia. Rằng bà không cô đơn, ai đó vẫn đang cần bà, thậm chí khi bà chưa từng biết đến sự tồn tại đó. Khách hàng tìm được những ý nghĩa cho riêng mình từ những bộ sưu tập của chúng tôi”, cô cho biết. Dự án đã nhận được hơn 100.000 USD từ chiến dịch gây quỹ đám đông. Hơn thế, Postema cho rằng một trong những điều tuyệt vời nhất trong suốt hành trình tái chế thời trang này là những người mà cô có cơ hội tiếp xúc. "Sự kết nối thân tình với mỗi một người mà tôi làm việc cùng trên đất Campuchia đã cho tôi những gia đình mới”, cô nói. Nhà thiết kế người Anh tin tưởng trong tương lai sẽ còn nhiều sản phẩm mang đến những giá trị vượt khỏi giới hạn thông thường. Việc này là hoàn toàn có thể xảy ra, khi càng nhiều người du lịch và bước ra thế giới, tìm kiếm những điều ý nghĩa trong đời. Trương Sanh (theo Inc) Nguồn: VNExpress