Tiến sĩ Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tiểu cầu là một trong những tế bào máu có chức năng cầm máu. Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết, những bệnh lý gây giảm tiểu cầu, trường hợp phẫu thuật, sản khoa... Bệnh nhân ung thư máu, rối loạn đông máu, suy tủy... cũng cần truyền tiểu cầu liên tục. Theo bác sĩ Oanh, sốt xuất huyết đang tăng nhanh, số lượng tiểu cầu cần cho điều trị bệnh nhân có thể sẽ tăng. Để không xảy ra tình trạng thiếu hụt, Bệnh viện Chợ Rẫy đang vận động người dân đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiện mỗi ngày bệnh viện dự trữ khoảng 50-70 đơn vị tiểu cầu. "Thời gian sống của tiểu cầu trong cơ thể là 7-10 ngày, khi lấy ra ngoài bảo quản chỉ sống được 5 ngày. Do đó việc vận động nguồn hiến phải trên cơ sở cân bằng động, không dư thừa gây lãng phí nhưng cũng không để thiếu hụt", bác sĩ Oanh nói. Người hiến được lấy tiểu cầu (túi màu vàng) bằng máy chiết tách tự động. Ảnh: Lê Phương. Người hiến được lấy tiểu cầu bằng máy chiết tách tự động trong thời gian khoảng 60-90 phút. Điều kiện hiến là người trên 50 kg, tĩnh mạch tại cánh tay phải to và rõ, xét nghiệm các bệnh lây nhiễm phải âm tính, số lượng tiểu cầu đảm bảo. Máu được lấy từ cánh tay và đưa vào máy để tách riêng tiểu cầu, phần máu còn lại được truyền trả lại cơ thể người hiến. Mỗi người có thể hiến tiểu cầu ít nhất 4 tuần một lần. Mỗi ngày tủy xương sản xuất 150 tỷ tiểu cầu thay thế tiểu cầu già chết đi nên số lượng tiểu cầu sẽ hồi phục trong một thời gian ngắn. Cả nước hiện có 5 trung tâm đủ điều kiện tiếp nhận tiểu cầu bằng máy chiết tách, đặt tại các bệnh viện Truyền máu Huyết học Trung ương, Trung ương Huế, Huyết học Truyền máu Cần Thơ, Chợ Rẫy, Truyền máu Huyết học TP HCM. Nguồn: VNExpress