Ngày 21/9, trên 10 màn hình lớn tại quảng trường Thời đại, New York (Mỹ) xuất hiện hình ảnh quảng cáo tiếng Trung có nội dung về sinh nhật của Karry Wang, thành viên nhóm nhạc thần tượng TFBoys. Tất cả đều do người hâm mộ của nhóm này đặt mua. Một tháng sau, các fan Trung Quốc lại đặt tiếp quảng cáo màn hình lớn ở vị trí này, quảng bá hình ảnh của Roy Wang, một thành viên khác nhóm TFBoys. Đây chỉ là một phần trong chiến dịch mà trang web chuyên cung cấp dịch vụ cho cộng đồng người hâm mộ (fandom) có tên iFensi tạo ra. Với sự phát triển nhanh chóng của các fandom trong lĩnh vực giải trí tại Trung Quốc, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho đối tượng đặc biệt này đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Quảng cáo của fandom nhóm TFBoys Trung Quốc ở Quảng trường Thời đại tại Mỹ. "iFensi là một công ty mới. Một đội ngũ mới với thương hiệu cũ ", Liu Chao, Giám đốc điều hành của iFensi, trả lời phỏng vấn với AllChinaTech tại văn phòng của ông ở Bắc Kinh. Được thành lập vào năm 2005, iFensi được biết đến là công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho các nhóm người hâm mộ. Sau khi có tên tuổi, nó được mua lại bởi một công ty giải trí Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào cuối năm 2013, công việc kinh doanh thất bại và công ty chỉ còn 3 nhân viên. Tháng 10/2014, Liu Chao đã quyết định mua lại thương hiệu này và thu hút được vốn từ một số nhà đầu tư. Anh gây dựng lại một đội ngũ nhân viên mới và công việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc. Tháng 3/2016, iFensi nhận được khoản tài trợ vốn đầu tiên lên tới 7,3 triệu USD. Tháng 4/2017, công ty giải trí này nhận thêm vốn đầu tư 22 triệu USD. Giá trị ước tính của iFensi hiện rơi vào khoảng 147 triệu USD. Điều này không chỉ thể hiện sự thành công trong chiến lược kinh doanh của Liu Chao mà còn chỉ ra rằng thị trường cho cộng đồng fan ở Trung Quốc đã phát triển rất lớn. "Tôi tin rằng thị trường fandom ở Trung Quốc đang được 'nâng cấp' theo từng năm", CEO này chia sẻ. Liu Chao, 32 tuổi, giám đốc điều hành của iFensi. Ảnh: AllChinaTech. Tại văn phòng iFensi có một phòng ghi hình, nơi thường xuyên tổ chức các chương trình tuyền hình trực tuyến do công ty sản xuất. Nội dung của chúng chủ yếu là buổi giao lưu giữa thần tượng và người hâm mộ, xoay quanh các trò chơi và những câu chuyện. "Giá vé một chỗ ngồi trong phòng thu của chúng tôi có thể lên đến hàng chục ngàn nhân dân tệ", Liu nói. Nhờ có sự phát triển của Internet, giờ đây người hâm mộ có nhiều kênh và lựa chọn để theo dõi thần tượng của mình và hỗ trợ họ. Theo một báo cáo của iFensi năm 2016, số lượng người hâm mộ ở Trung Quốc đã tăng lên đến 470 triệu người, với mức tăng trưởng ổn định là 40 triệu người mỗi năm. Và khả năng chi trả của các fandom là động lực chính cho công ty phát triển. Ngoài ra, các trang web và nền tảng phát sóng nội dung trực tuyến (streaming) cũng dẫn tới sự nổi lên của một nhóm người nổi tiếng, không theo các kênh giải trí chính thống. "Thường thì các thần tượng này sẽ có một số người hâm mộ điên cuồng", Liu nói. "Chuyện những fan mua hơn 100 tài khoản thành viên chỉ để bỏ phiếu cho thần tượng của họ vượt lên trong danh sách xếp hạng của chúng tôi giờ đã là chuyện rất bình thường". Cũng giống như các công ty Internet khác, iFensi sử dụng quảng cáo, thương mại điện tử và các dịch vụ giá trị gia tăng ảo để kiếm tiền. Công ty thiết lập một gói thành viên cho phép người hâm mộ mua quà ảo để hỗ trợ thần tượng của họ trong suốt chương trình phát trực tuyến. Họ cũng có thể mua các "trái tim" để gửi cho thần tượng của mình để vị trí của họ được tăng lên trong danh sách xếp hạng. Ông cũng nhấn mạnh rằng sức mạnh của các fandom ở Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Chúng thực tế là những doanh nghiệp nghiêm túc và được tổ chức chuyên nghiệp dưới sự quản lý của nhiều thành viên tình nguyện. Riêng trên iFensi đã có 14.200 fan club, và tổng số tiền chi cho việc hỗ trợ thần tượng của họ đã vượt qua con số hàng triệu đôla Mỹ mỗi năm. IFensi thường tổ chức chương trình phát sóng trực tuyến trong studio này. Ảnh AllChinaTech "Các fandom hiện giờ có tổ chức và kỷ luật hơn rất nhiều so với trước đây. Họ có kế hoạch để tận dụng nguồn lực một cách có chiến lược, cũng có nhiều tiền hơn và mong muốn sử dụng chúng một cách hiệu quả", ông Liu nói. Đó là lý do tháng trước iFensi đã phát động một dịch vụ tài chính cho các fandom, bằng việc liên kết với một đối tác tài chính bên thứ ba. Trong quá khứ, khá nhiều vụ việc xảy ra khi những người quản lý của fandom nắm hoàn toàn quyền kiểm soát tiền và sau đó biến mất. Với việc sử dụng dịch vụ của công ty, người hâm mộ có thể yên tâm hơn về việc chi tiêu minh bạch các khoản tiền, đồng thời được giảm giá dịch vụ khi sử dụng thêm các dịch vụ trong đợt kỷ niệm hoặc quảng cáo hỗ trợ thần tượng của mình khi có sự kiện. Ngay sau khi ra mắt, dịch vụ tài chính này đã có khoảng 40 fan club đăng ký sử dụng và công ty kỳ vọng sẽ có hơn 1.000 fandom gia nhập vào cuối năm nay. "Trước vòng tài trợ thứ hai, chúng tôi tập trung nhiều vào cách làm cho người dùng tương tác với hệ thống. Nhưng bây giờ, chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc thu hút người hâm mộ để tiền của họ ở đây", Liu nói. Trong tương lai xa, các chiến dịch quảng cáo rầm rộ như ở Quảng trường Thời đại sẽ không còn là điều xa lạ. Theo Trang Công Nghệ