Nhiều người cho rằng, nếu dùng chất làm ngọt nhân tạo thay vì đường, chúng ta sẽ vẫn có thể thưởng thức được vị ngọt trong thực phẩm mà không phải lo lắng về lượng calories dư thừa, tăng cân hay các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, theo một loạt các bằng chứng khoa học về các chất làm ngọt không dinh dưỡng (non-nutritive) được công bố vào ngày 17/7 vừa qua, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Theo NPR, sau khi đánh giá hai dạng nghiên cứu khoa học khác nhau, tác giả của nghiên cứu kết luận rằng không có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các chất tạo ngọt như aspartame và sucralose giúp người ta kiểm soát được cân nặng của mình. Ngoài ra, dữ liệu quan sát cũng cho thấy rằng những người thường xuyên sử dụng những chất tạo ngọt này thường rất dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe trong tương lai, mặc dù những nghiên cứu đó không thể chứng minh được rằng những vấn đề đó xảy ra do chất tạo ngọt. Ảnh hưởng của chất tạo ngọt lên sức khỏe là một vấn đề quan trọng cần nghiên cứu bởi rất nhiều người đang sử dụng nó. Một nghiên cứu khác được đăng tải hồi đầu năm đã phát hiện ra rằng 1/4 số trẻ em ở Mỹ và 41% người lớn đang tiêu thụ chúng, hầu hết đều sử dụng ít nhất một lần mỗi ngày. Thậm chí còn có nhiều người vô thức tiêu thụ những chất này do chúng tồn tại trong một số sản phẩm như ngũ cốc dạng thanh hay sữa chua. Ảnh hưởng của chất tạo ngọt lên sức khỏe là một vấn đề quan trọng cần nghiên cứu. "Chúng tôi rất thực sự quan tâm đến những người hàng ngày đang tiêu thụ sản phẩm này, không bởi vì họ cần giảm cân mà bởi họ nghĩ rằng đây là một lựa chọn lành mạnh hơn trong suốt nhiều năm trời", Meghan Azad, tác giả của chính bản đánh giá đồng thời là một nhà nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Manitoba cho biết. "Trong khi còn nhiều nghiên cứu cần được thực hiện, từ những gì chúng ta đã biết hiện nay, không có một lợi ích rõ ràng nào của việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo đối với quá trình giảm cân, nhưng lại có nguy cơ gây tăng cân, tiểu đường và các bệnh tim mạch khác". Bản đánh giá đăng tải vào ngày 17/7 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada đã xem xét 37 nghiên cứu khác nhau. Bảy trong số đó là các thử nghiệm ngẫu nhiên với khoảng 1000 người tham gia, phần còn lại là những nghiên cứu quan sát theo dõi tình trạng sức khỏe và thói quen của hơn 406 nghìn người trong thời gian dài. Cả hai dạng nghiên cứu này đều có những ưu điểm và hạn chế. Trong bảy thử nghiệm, người ta được chia ra ngẫu nhiên thành hai nhóm được cho sử dụng chất tạo ngọt và không sử dụng, từ đó các nhà nghiên cứu sẽ so sánh hai nhóm và có thể khẳng định về việc liệu chất này có lợi hay hại. Nhưng do chi phí và công sức bỏ ra lớn, những thử nghiệm ngẫu nhiên như vậy thường ngắn và không được thử trên nhiều người. Những thử nghiệm đó cũng không phản ánh được cách người ta thực sự hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Những nghiên cứu quan sát có thể theo dõi nhiều người hơn trong một khoảng thời gian dài hơn và thực sự phản ánh được con người sống như thế nào. Nhưng họ chỉ tìm thấy được mối quan hệ giữa thói quen và các vấn đề sức khỏe chứ đó không phải là những bằng chứng trực tiếp để có thể đưa ra kết luận. Hầu hết những người tham gia trong các thử nghiệm ngẫu nhiên đều đang thực hiện kế hoạch giảm cân, kết quả cho thấy không có một ảnh hưởng đáng kể nào của việc sử dụng chất tạo ngọt lên chỉ số cơ thể. Những nghiên cứu quan sát thì lại tìm thấy một sự gia tăng nhỏ trong chỉ số BMI liên quan đến việc sử dụng chất làm ngọt, và những người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo nhiều nhất có khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 14% so với những người ít tiêu thụ nhất. Những người sử dụng nhiều nhất cũng có khả năng mắc các bệnh tim mạch cao hơn 32% so với những người sử dụng ít nhất. Hội đồng kiểm soát Calorie, một nhóm thương mại bao gồm cả những nhà sản xuất chất làm ngọt nhân tạo, lưu ý rằng những thử nghiệm ngẫu nhiên chưa khẳng định được những mối liên quan đó với các bệnh tật. Họ cũng nói rằng béo phì rất phức tạp, với rất nhiều nguyên nhân và đòi hỏi phải có "các cách tiếp cận mang tính cá nhân, đa nhân tố và đa lĩnh vực sử dụng nhiều công cụ khác nhau". Các bằng chứng hiện có cho thấy chất tạo ngọt có thể giúp giảm cân nếu chúng được sử dụng cẩn thận với tỉ lệ 1:1 khi thay thế cho những thực phẩm và đồ uống có đường như là một phần trong chương trình giảm cân. Allison Sylvetsky Meni, phó giáo sư tại Khoa Dinh dưỡng và Sức khỏe tại Viện Y tế công cộng Milken của Đại học George Washington cho biết. "Nhưng thường chất tạo ngọt không được sử dụng theo như vậy". Sylvetsky Meni tuy không liên quan đến nghiên cứu này, nhưng bà là tác giả của nghiên cứu về tỉ lệ sử dụng chất tạo ngọt của con người. Các sản phẩm đường nhân tạo như Sweet'n Low có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Có rất nhiều giả thuyết về việc tại sao chất làm ngọt nhân tạo không thúc đẩy việc giảm cân hay tốt cho sức khỏe. Ví dụ như chúng có thể làm cho người ta càng thích ăn đồ ngọt hơn, khiến bạn tiêu thụ thức ăn có đường nhiều hơn. Ngoài ra, việc vị ngọt lại không đi cùng với calories có thể khiến cơ thể nhầm lẫn và thay đổi cách xử lý với đường thật, như kết quả cho thấy ở các thí nghiệm với động vật. Chất tạo ngọt cũng có thể làm thay đổi vi sinh vật khiến quá trình trao đổi chất trở nên tệ hơn. Azad và Sylvetsky Meni nói rằng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa, bao gồm việc xem xét riêng các loại chất tạo ngọt thay vì nhóm chúng lại với nhau. Và những thử nghiệm phản ánh cách con người tiêu thụ chất làm ngọt trong một số loại thực phẩm cũng cần thiết. Azad cho rằng khi các lợi ích của việc sử dụng chất tạo ngọt chưa được chứng minh và mối nghi ngại về tác hại vẫn còn đó, những người chọn chất tạo ngọt vì nghĩ rằng đây là một chất thay thế lành mạnh hơn đường nên tạm ngưng sử dụng. Sylvetsky Meni không nghĩ rằng uống một hai ly soda ăn kiêng là xấu, nhưng đó là một thông điệp rất khác so với việc giới thiệu ngay rằng chất tạo ngọt tốt cho giảm cân hoặc tốt cho sức khỏe hơn, bà cho biết. Ngoài ra, bà cũng cho rằng bạn nên giảm vị ngọt trong thực phẩm và đồ uống thay vì phải đắn đo giữa việc lựa chọn các sản phẩm chứa đường thật hay đường nhân tạo. Nói cách khác, bạn nên tập làm quen với nước trái cây, cà phê đen hay sữa chua hoa quả thật thay vì các sản phẩm chứa đường, cả tự nhiên lẫn nhân tạo. Nguồn KhoaHoc.TV