Ngư dân bắt được con mực Architeuthis khi thả lưới cách bờ biển Ireland khoảng 240km. Đây là con mực khổng lồ thứ hai được ngư dân trên tàu Cuna Mara bắt được trong vòng hai tháng qua, Sputnik News ngày 20/7 đưa tin. Sinh vật sống ở vùng biển sâu dài 5,5 mét này mắc vào lưới đánh bắt tôm ở ngoài khơi thị trấn Dingle, Co Kerry. Mực khổng lồ là một trong những sinh vật biển bí ẩn nhất đối với con người. Loài mực Architeuthis rất hiếm khi xuất hiện và có thể đạt chiều dài tối đa hơn 13 mét. Nhà sinh vật học hải dương Kevin Flannery cho biết việc bắt được mực Architeuthis ở vùng biển Ireland là một trải nghiệm hiếm hoi. "Chỉ có 7 con được ghi nhận tại đây từ khi bắt đầu có những ghi chép cách đây gần 350 năm. Con mực khổng lồ đầu tiên lọt lưới ở Ireland cũng tại Dingle vào năm 1673", Flannery nói. Dù con mực mắc lưới hôm 18/7 hơi nhỏ hơn một chút so với mẫu vật tìm thấy hồi tháng 5, nó vẫn lớn tới mức gây kinh ngạc cho những cư dân địa phương. Mực khổng lồ là một trong những sinh vật biển bí ẩn nhất đối với con người. Mãi tới năm 2014, các nhà khoa học mới chụp được ảnh một con mực khổng lồ còn sống trong môi trường tự nhiên. Xác mực được ngư dân Ireland kéo vào bờ. (Video: YouTube). Mực khổng lồ thường sống ở vùng đại dương sâu ở bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chúng có tám xúc tu ngắn và hai xúc tu dài với kích cỡ tối đa là 13 mét ở con cái và 10 mét ở con đực. Những con mực này được cho là hung dữ và hay tấn công các động vật khác bao gồm cả ngư dân và tàu thuyền của họ. Nhờ kích thước to lớn, xúc tu của chúng rất khỏe và có lực hút mạnh. Nguồn KhoaHoc.TV