Microsoft đã chính thức ngừng hỗ trợ Windows Phone 8.1 kể từ 11/7 và trong tương lai, có thể hãng sẽ làm điều đó với những smartphone đang chạy nền tảng Windows 10 Mobile. Ngừng hỗ trợ một nền tảng đang có tới 70% người dùng đồng nghĩa với "cái chết" của nó đã được báo trước. Cách đây 10 năm, Steve Jobs đứng trên sân khấu giới thiệu đến công chúng chiếc iPhone 2G với ngoại hình khác xa đa số điện thoại khi đó: màn hình cảm ứng hoàn toàn, mặt trước chỉ có phím Home duy nhất. Và thế giới công nghệ bắt đầu thay đổi từ đó. Những ông lớn công nghệ thời đó không đánh giá cao iPhone. Thậm chí, họ mỉa mai thiết bị này. Giám đốc điều hành của BlackBerry, ông Jim Balsillie khi đó cho rằng thiết bị không đáng để bận tâm. Ed Colligan của Palm thì nhận định thiết bị này không thể làm nên được gì. Steve Ballmer từng nghĩ rằng iPhone không hấp dẫn khách hàng doanh nghiệp vì "nó không có bàn phím". Windows Mobile 6.5 hạn chế tính năng, chưa hỗ trợ tốt cảm ứng Nhưng họ đã nhầm, bởi sau đó sản phẩm chạy iOS phát triển nhanh như vũ bão. Khi đã bị bỏ xa một đoạn đường, họ mới nhìn lại và bắt đầu đuổi theo thứ mình từng xem thường. BlackBerry phản ứng yếu ớt với WebOS, trong khi Microsoft là Windows 6.5, sau đó là Windows Phone 7. Những nền tảng này đều có những điểm yếu "chết người", kể cả khi Windows Phone kết hợp với Nokia nhưng thị phần của nó cũng chỉ chiếm được vài phần trăm. BlackBerry và Microsoft mải chạy theo iOS mà quên mất rằng, một kẻ khác đứng đằng sau cũng nguy hiểm không kém, đó là Google. Về cơ bản, khi đó miếng bánh hệ điều hành di động vẫn chia đều cho tất cả, có chăng Apple có phần nhỉnh hơn mà thôi. Windows Phone thất bại vì chiến lược sai lầm. Không đề cập đến WebOS và các nền tảng khác (vì thực tế nó không đủ khả năng cạnh tranh với iOS), Windows Phone bắt đầu được đầu tư mạnh. Thế nhưng, điểm yếu lớn nhất của nó là không thể nâng cấp - điều kiện bắt buộc, mang tính sống còn của một hệ điều hành. Thêm nữa, họ mua Nokia và dần ngừng sản xuất điện thoại sau đó cũng là sai lầm khiến nền tảng chết theo. Google trong khi đó âm thầm phát triển Android - một nền tảng hoàn toàn miễn phí với mọi đối tác. Năm 2008, T-Mobile G1 ra đời. Mục tiêu của Google khác Microsoft, là đánh vào chính công ty này. Chính Eric Schmidt của Google đã thừa nhận điều này trong vụ kiện với Oracle về Java. Khi Microsoft tập trung mọi nguồn lực để đánh iOS của Apple - một cuộc chiến vốn không cân sức, Google tự do phát triển nền tảng mà không ai cạnh tranh. Phía gã khổng lồ tìm kiếm đã chọn chiến lược khôn ngoan, đó là cung cấp miễn phí cho đối tác OEM, đồng thời bắt tay với các nhà mạng lớn nước Mỹ như Verizon. Apple cũng hợp tác với AT&T để bán hàng nhiều hơn. Cuối cùng, chỉ còn mình Windows Phone "bơ vơ", nằm trên một số kệ hàng ít người biết tới. T-Mobile G1 - Smartphone đầu tiên chạy Android Lựa chọn con đường "luồn lách" và đánh kẻ yếu hơn trước, Google nhanh chóng thành công và loại bỏ được Windows Phone trên đường đua. Tiếp tục chiến lược này, hãng tìm kiếm dần bành trướng nền tảng di động của mình. Hiện tại, theo số liệu của Kantar Worldpanel, Android đang áp đảo các nền tảng khác tại một số thị trường trong quý I/2017, như tại Trung Quốc là 83,4%, tại Mỹ là 61,7% và châu Âu là 78,3%, trong khi iOS đang 16,2%, 36,5% và 19,3% tương ứng. Còn Windows Phone đang ở đâu? Bảo Lâm (theo The Verge) Theo Trang Công Nghệ