Nặng hơn 1.000 tỷ tấn, có diện tích gấp 4 lần London, tảng băng vừa tách khỏi thềm băng Larsen C ngày 12/7 trở thành khối băng trôi lớn nhất trong lịch sử. Hình minh họa. Và đây là những điều xảy ra tiếp theo: Tảng băng chầm chậm trôi đi Mảnh băng vỡ khổng lồ này, vốn đang nổi trên biển, sẽ trở thành một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Sau khi vỡ ra khỏi thềm băng, nó sẽ không trôi đi nhanh chóng. Nhưng nhờ dòng hải lưu, nhiều khả năng tảng băng sẽ men theo bờ biển và đi ra Đại Tây Dương. Tảng băng sẽ gây tiếng ồn Khi những thềm băng “sinh” ra những tảng băng trôi, đại dương sẽ bị náo động. Sau khi B-15 – tảng băng trôi lớn nhất từng quan sát được – tách ra khỏi thềm băng Ross năm 2000, các nhà khoa học sử dụng hydrophone để giám sát âm thanh dưới nước đã thu nhận được tín hiệu lạ từ cách hàng ngàn kilomet. Tín hiệu này sau đó dẫn họ đến phần còn lại của tảng băng B-15 khổng lồ – đang tiếp tục tan rã, khiến nước lấp đầy các khe, rãnh nứt và tạo nên tiếng động lớn. Những mảnh băng vỡ có thể trôi nổi nhiều năm Tùy thuộc vào tốc độ chúng dạt đến những vùng nước ấm hơn, tảng băng trôi và những mảnh vỡ của nó có thể “lang thang” trên đại dương nhiều năm. Theo NASA, 15 năm sau khi B-15 tách khỏi thềm băng Ross, vẫn còn 8 mảnh vỡ của tảng băng nguyên bản trên đại đương, lớn nhất là tảng B-15T. Thềm băng Larsen C có thể tiếp tục tan vỡ Các nhà khoa học nghiên cứu sự kiện vỡ ra tảng băng này không thấy mối liên hệ với biến đổi khí hậu, nhưng nó vẫn là tin xấu về lâu dài cho thềm băng. Mất đi mảng băng khổng lồ khiến Larsen C trở nên kém ổn định hơn. Và nhóm Dự án MIDAS phát hiện ra rằng, giống trường hợp thềm băng Larsen B mất đi một phần lớn vào năm 2002, Larsen C có thể tiếp tục phân tách sau khi tảng băng trôi đi. Nguồn KhoaHoc.TV