Hôm qua Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ký thỏa thuận hợp tác về việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ. Theo thỏa thuận giữa Roscosmos và ESA, hai bên sẽ phóng một robot lên bề mặt sao Hỏa. ExoMars, tên của robot, sẽ lấy mẫu đất rồi mang về trái đất. Các nhà khoa học sẽ phân tích lượng đất đó để tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn và các dạng sống khác, VOA đưa tin. Một hố lớn trên bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: ESA) Chuyến thám hiểm sao Hỏa của Nga và châu Âu sẽ gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, một phi thuyền sẽ đưa robot lên sao Hỏa vào năm 2016. Sau đó một phi thuyền khác sẽ bay lên hành tinh đỏ vào năm 2018 để mang đất về địa cầu. Nga sẽ cung cấp tên lửa đẩy, thiết kế module hạ cánh và robot. ESA và Roscosmos ký thỏa thuận trong bối cảnh robot tự hành Curiosity của Mỹ phát hiện ra rằng các điều kiện khí hậu của sao Hỏa cách đây hơn ba tỷ năm hoàn toàn thích hợp với sự tồn tại của vi khuẩn. Thiết bị tự hành Curiosity khoan một lỗ có chiều sâu 6,4cm vào một tảng đá và lấy bụi từ lỗ để phân tích. ESA và Roscosmos muốn robot của họ khoan lỗ có chiều sâu tới 200cm để lấy mẫu đất. Rolf de Groot, một nhà khoa học của ESA, nói rằng ExoMars sẽ mang theo những thiết bị hiện đại hơn so với hệ thống thiết bị của Curisosity. Vì thế nó sẽ có khả năng phân tích đất, đá trên sao Hỏa kỹ lưỡng hơn. Nguồn VNExpress