Gấu nước là sinh vật sống dai nhất hành tinh. Ảnh: YouTube. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard và Oxford về những nguy cơ đe dọa sự sống trên Trái Đất qua hàng tỷ năm, sự sống trên hành tinh của chúng ta sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn ngay cả khi Trái Đất bị tấn công bởi tiểu hành tinh, vụ nổ siêu tân tinh hay tia gamma. Loài gấu nước vẫn có thể tồn tại đến tận lúc Mặt Trời "chết", tức là rất lâu sau khi loài người tuyệt chủng. Gấu nước, sinh vật 8 chân có chiều dài chưa đến một mm, thường sống dưới nước và gần như không thể chết. Chúng có thể tồn tại đến 30 năm mà không cần ăn, dù bị đóng băng, đun sôi, nghiền nát dưới sức ép lớn, thậm chí tiếp xúc với môi trường chân không và tia bức xạ của vũ trụ mà không hề hấn gì. "Nhiều nghiên cứu trước đây tập trung vào những viễn cảnh 'ngày tận thế' của Trái Đất, những sự kiện vũ trụ như vụ nổ siêu tân tinh có thể hủy diệt nhân loại. Trong khi đó, chúng tôi quan tâm đến sinh vật sống dai nhất – gấu nước", nhà nghiên cứu David Sloan cho biết. "Điều ngạc nhiên là, chúng tôi phát hiện dù vụ nổ siêu tân tinh hay tiểu hành tinh lớn đâm xuống sẽ là thảm họa diệt vong với loài người, gấu nước vẫn không hề bị ảnh hưởng", ông nói thêm. "Dường như một khi sự sống đã bắt đầu và phát triển thì sẽ rất khó bị loại bỏ hoàn toàn". Nhiều nghiên cứu chỉ ra sao Hỏa từng có điều kiện sống rất lý tưởng với bầu khí quyển dày, các hồ và mạch nước. Nếu sự sống từng phát triển trên các hành tinh như sao Hỏa với các sinh vật giống loài gấu nước thì chúng sẽ vẫn tồn tại bất chấp những điều kiện khắc nghiệt hiện tại. "Gấu nước gần như là loài vật 'bất diệt' trên Trái Đất, nhưng có thể còn những sinh vật sống dai khác ở nơi nào đó trong vũ trụ. Nếu gấu nước là loài vật sống dai nhất Trái Đất, ai biết được ngoài vũ trụ sẽ còn những thứ gì khác?", nhà nghiên cứu Rafael Alves Batista tại Đại học Oxford đặt câu hỏi. Thu Thảo Nguồn VNExpress