Các bạn thường hay nghe đến cụm từ "chụp teen xóa phông". Cụm từ này có nghĩa là sao? Tức nghĩa là khi chụp nó chỉ thấy rõ chủ thể, hậu cảnh hoặc tiền cảnh bị mờ phụ thuộc vào điểm lấy nét của bạn. Giữa một bức ảnh chụp chân dung được mờ hậu cảnh và một bức chân dung với những hậu cảnh sắc nét, bạn sẽ chọn cái nào? Câu trả lời thường thường là thích một nền cảnh mờ hơn. Tại sao vậy? Vì nó làm nổi bật chủ thể, tách bạch chủ thể so với nền, chưa kể, nếu có những nguồn sáng le lói, nó sẽ tạo ra hiệu ứng bokeh tuyệt đẹp. Tất nhiên, còn phụ thuộc vào những chủ thể khác nhau mà bạn sẽ chọn những cách chụp khác nhau. Hầu hết các bức ảnh chân dùng đều được làm mờ hậu cảnh. Đúng vậy, vì chúng ta luôn muốn người xem tập trung vào chủ thể chứ không phải những thứ diễn ra đằng sau chúng. VnReview.vn xin phép lược dịch bài viết dưới đây của tác giả Yacine Bessekhouad đăng tải trên Digital Photography School để bạn đọc tham khảo thêm về các kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản này. Bản thân tôi cũng muốn chụp ra một bức ảnh chân dung có hậu cảnh mờ. Đó là lí do tại sao tôi luôn để máy ở chế độ Aperture Prioity (Av) và để nó làm tất cả phần còn lại của những bức ảnh. Bạn cũng có thể sử dụng chế độ Manual (M) với các thiết lập đo sáng để có bức ảnh như ý. Hãy nhớ rằng, ánh sáng luôn là quan trọng nhất với những bức ảnh. Vì thế, hãy luôn kiểm soát ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập một cách linh hoạt nhất. Ở điều kiện thông thường, tốc độ màn trập nhỏ nhất là 1/100 và lúc đó phải tăng ISO lên mức 400 để giúp bạn kiểm soát tốt nhất bức ảnh, những thông số còn lại, phụ thuộc vào chiếc máy của bạn mà bạn có thể đặt nó về mức cho ánh sáng tốt nhất. Về cơ bản, bokeh phụ thuộc vào độ sâu trường ảnh (Depth of Field; viết tắt: DoF). DoF phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: 1/ Khẩu độ của ống kính Hãy nhớ rằng, khẩu độ của ống kính càng to (chỉ số phía sau kí hiệu f/ trên ống kính càng nhỏ, khẩu cảng lớn, ví dụ f/1.4), DoF càng mỏng. "Tại sao tôi không thể chụp một bức ảnh "xóa phông" được?" Đây là câu hỏi rất nhiều người từng hỏi tôi. Và lí do là khi các bạn ấy mua máy, các bạn luôn mua kèm ống kit, với dải tiêu cự và khẩu độ thường thấy là 18-55 f/3.5-5.6. Vấn đề mấu chốt là ở đây. Ống kit này là ống kính rẻ nhất và nó phục vụ cho bạn từ phong cảnh đến chân dung. Và một ống kính khẩu độ nhỏ không thể giúp bạn "xóa phông" được. "Vậy làm sao để tôi có thể có một tác phẩm "xóa phông" được?" Điều này rất đơn giản: mua một ống kính có khẩu độ lớn hơn. Ví dụ một ống kính "ngon bổ rẻ" là Canon 50 f/1.8 hoặc các hãng khác tương đương sao phù hợp với chiếc máy bạn đang sử dụng. Đây là một ống kính giá rẻ với chất lượng tốt, phù hợp cho bạn chụp chân dung "xóa phông" mù mịt. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể mua những ống kính với khẩu độ lớn hơn: f/1.4 hoặc f/1.2, tuy nhiên, đi kèm với nó là giá thành cũng khá cao. Nói chung, với những ống kính có khẩu độ f/2.8 trở lên sẽ giúp bạn có một bức ảnh "xóa phông" như ý và có thể tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp mắt. Ngoài ra, khẩu độ càng lớn sẽ giúp bạn kiểm soát được tốc độ màn trập hơn vì lượng ánh sáng ống kính cho vào cảm biến lớn hơn. Chụp bằng Nikon Auto-S 50 f/1.4, ở f/1.4 2/ Khoảng cách từ camera đến chủ thể Hãy làm một thí nghiệm: đặt ngón tay cái trước mắt thật gần và nhìn chằm chằm vào nó bằng một mắt, một mắt kia nhắm lại. Khi đó bạn sẽ thấy những thứ phía sau của ngón tay bị mờ đi. Sau đó, hãy thử dịch chuyển ngón tay ra xa hơn. Bạn sẽ nhận thấy những vật phía sau không bị mờ nữa. Máy ảnh cũng vậy, càng đến gần chủ thể, hậu cảnh sẽ càng mờ. Đây là 2 bức ảnh tôi sử dụng ống kính Tamron 17-50 f/2.8. Cả hai tôi đều để ở tiêu cự 50 với khẩu độ f/2.8, chỉ khác ở khoảng cách. Và bạn dễ dàng nhận thấy, bức ảnh ở gần hơn thì hậu cảnh bị mờ hơn rất nhiều. Nếu bạn nhìn thấy những tấm hình macro, bạn sẽ thấy nó sẽ có DoF rất mỏng, điều này làm cho hiệu ứng bokeh trở nên mịn hơn. Đó là lí do tại sao các nhiếp gia chụp macro phải đến gần các chủ thể hơn rất nhiều. Thậm chí kể cả khi với một khẩu độ nhỏ, dù là f/5.6, nếu bạn ở thật gần chủ thể thì nó vẫn có thể giúp bạn xóa phông rất tốt. Lưu ý rằng, muốn chụp macro, các nhiếp ảnh gia phải dùng một ống kính đặc biệt, có hỗ trợ macro để có thể lấy nét chủ thể ở vị trí thật gần. Các ống kính thông thường đều bị giới hạn khoảng cách lấy nét. Nếu bạn muốn chụp macro nhưng lại không có ống kính macro, thì mua thêm tube macro là một ý tưởng không tồi. Hãy nhớ rằng: càng gần chủ thể, bạn càng xóa phông được càng nhiều. Nếu bạn chụp phong cảnh với f/1.8 thì chắc rằng hậu cảnh sẽ không bị mờ. 3/ Tiêu cự Nếu bạn không thể tiếp cận thật gần với chủ thể nhưng lại muốn một hậu cảnh mở, hãy sử dụng một ống kính tele. Chụp với Canon 55-250 f/4-5.6 IS Điều thú vị nhất ở ống kính tele là bạn có thể sử dụng nó để chụp chân dung, động vật, macro hay tách biệt chủ thể với môi trường khi bạn không gần nó. Một lợi ích nữa là bạn không cần một khẩu lớn mới có thể xóa phông, chỉ cần f/6.3 cũng có thể đủ làm mờ hậu cảnh. Hãy nhớ rằng: tiêu cự càng lớn, DoF càng mỏng; tiêu cự càng nhỏ, DoF càng dày. Ảnh trên được chụp ở tiêu cự 100mm, còn ở dưới là tiêu cự 250mm, khẩu độ f/5.6. Và luôn ghi nhớ một điều: chất lượng ảnh bạn nhận được sẽ đi đôi với số tiền bạn đầu tư cho nó. Minh Hùng Nguồn VNReview